Đời sống văn hóa

Quảng Ngãi đề xuất hát Ta lêu, hát Ca chôi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thế Vũ 16/05/2025 09:02

(CLO) Tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể theo quy định đối với làn điệu dân ca hát Ta lêu và hát Ca chôi.

Tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản đề nghị Bộ VHTT&DL xem xét, đưa hát Ta lêu và hát Ca chôi của dân tộc Hrê vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong văn bản trình Bộ VHTT&DL, tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, kho tàng văn nghệ dân gian của người Hrê vô cùng đa dạng và phong phú, trong đó phải kể đến các làn điệu dân ca Ta lêu và Ca chôi.

11.jpg
Hát Ca chôi có nhiều đề tài khác nhau như chuyện yêu đương, chuyện gia đình, chuyện xã hội… Ảnh: QNO

Đây là loại hình diễn xướng được người Hrê ở tỉnh Quảng Ngãi hát trong những kỳ lễ hội, dịp cưới hỏi, đi làm nương rẫy, lúc quây quần bên bếp lửa hay khi chỉ có một mình.

Làn điệu Ta lêu và Ca chôi thường được diễn xướng kết hợp với các nhạc cụ truyền thống như cheinh nâng, đàn vroac, krâu... theo lối tự do, âm điệu đơn giản, mộc mạc.

Làn điệu Ta lêu là điệu hát kể, và thường có bài bản nhất định; điệu Ca chôi là lối hát giao duyên, đổi đáp tâm tình giữa nam và nữ hoặc giữa nam với nam, nữ với nữ.

Lối hát Ca chôi gần như hát nói, đối đáp, ứng tác lời ca tại chỗ thể hiện nhiều đề tài khác nhau như chuyện yêu đương, chuyện gia đình, chuyện xã hội, mừng quê hương, đất nước… thể hiện rõ nét về tính bản địa, tính độc đáo riêng biệt của người Hrê ở tỉnh Quảng Ngãi.

UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, những loại hình này có giá trị lịch sử, văn hóa, và khoa học cao, phản ánh bản sắc văn hóa độc đáo của người Hrê và góp phần làm phong phú di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam; do vậy, đáp ứng các tiêu chí để đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thế Vũ