Mô phỏng dự báo tương lai Trái đất và những nơi cuối cùng có thể sống
(CLO) Trong vòng 250 triệu năm tới, Trái đất sẽ trông không còn giống như bất kỳ tấm bản đồ nào mà chúng ta từng biết.
Theo các nhà khoa học địa chất, toàn bộ các lục địa hiện tại có thể sẽ hợp nhất trở lại thành một siêu lục địa mới mang tên Pangea Ultima. Nhưng trái với vẻ oai vệ của cái tên, viễn cảnh mà các nghiên cứu khoa học mô tả lại mang đầy tính u ám: hành tinh này sẽ khép lại chính mình theo đúng nghĩa đen.
Câu chuyện bắt đầu từ quá khứ: khoảng 200 triệu năm trước, siêu lục địa Pangea tách vỡ, đẻ ra các lục địa mà chúng ta sống ngày nay. Nhưng các mảng kiến tạo chưa bao giờ dừng chuyển động.
Nhà địa lý Christopher Scotese, cha đẻ của dự án PALEOMAP, tin rằng các khối lục địa đang âm thầm hội tụ trở lại. Đại Tây Dương sẽ biến mất, châu Mỹ va vào châu Phi và Âu Á, còn Ấn Độ Dương trở thành một biển nội địa.
Trong phiên bản Trái đất tương lai, nước Pháp có thể nằm gần Bắc Cực và giáp cả Tây Ban Nha, Ý lẫn Morocco và Algeria. Hàn Quốc sẽ bị ép giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Cuba dính chặt vào Mỹ, còn Greenland thì trượt sát Canada.
Hàng loạt loài động vật có vú tuyệt chủng
Nhưng điều đáng sợ không nằm ở địa lý mà là khí hậu. Theo mô phỏng đăng trên tạp chí Nature, sự va chạm dữ dội giữa các mảng kiến tạo sẽ làm bùng nổ hoạt động núi lửa, giải phóng lượng CO₂ gấp đôi hiện nay.
Cộng thêm ánh sáng Mặt trời mạnh hơn 2,5%, Pangea Ultima sẽ là lò hấp khổng lồ với nền nhiệt trung bình vượt 40°C, đủ để đẩy hàng loạt loài động vật có vú vào cuộc tuyệt chủng. Một phần Trái đất sẽ trở thành địa ngục khô hạn và không thể sống nổi.
Nhưng chưa hết, còn một kẻ thù thầm lặng khác: thủy triều. Một nghiên cứu đăng trên Geophysical Research Letters cho thấy sự hình thành siêu lục địa sẽ làm yếu đi lực thủy triều toàn cầu. Khi các lưu vực đại dương bị thay đổi hình dạng, khả năng cộng hưởng với lực hấp dẫn của Mặt trăng và Mặt trời sẽ giảm, dẫn đến các đợt thủy triều yếu và ít năng lượng hơn.
Điều đó có thể giết chết đại dương. Thủy triều yếu sẽ làm giảm sự trộn lẫn nước biển – quá trình cần thiết để đưa chất dinh dưỡng từ đáy lên bề mặt, nuôi sống sinh vật biển. Không có thủy triều đủ mạnh, các đại dương tương lai sẽ câm lặng, trì trệ và có thể tạo ra các “vùng chết”, nơi thiếu oxy đến mức không thể tồn tại sự sống.
Những ốc đảo sự sống cuối cùng
Tuy vậy, trong một kịch bản khốc liệt đến thế, vẫn có những “ốc đảo cuối cùng”. Các vùng cực bắc như Pháp, Anh, Bồ Đào Nha hay Bắc Phi có thể trở thành nơi trú ẩn hiếm hoi còn đủ mát mẻ, ẩm ướt và sống được.
Khi phần lớn Trái đất hóa thành chảo lửa, thì một vài khu vực cận Bắc Cực sẽ là “phao cứu sinh” cuối cùng của nhân loại, nếu chúng ta vẫn còn tồn tại đến lúc đó.
.png)
Từ những phát hiện này, các nhà khoa học nhấn mạnh một sự thật đơn giản nhưng khủng khiếp: Trái đất chưa bao giờ ổn định. Những biên giới quốc gia, bờ biển, hay dòng hải lưu mà chúng ta quen thuộc chỉ là lát cắt tạm thời trong dòng lịch sử địa chất hàng trăm triệu năm. Và trong vòng vài trăm triệu năm tới, hành tinh này sẽ không còn nhận ra chính mình nữa.