Nghề báo

Mắt sáng, lòng trong

Hải Đường 17/05/2025 09:25

Nhà báo lão thành Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương- cây bút lão luyện, xuất sắc của làng báo chí nước nhà đã rời xa cõi tạm đến nay gần tròn 10 năm. Nhân dịp này, Báo Nhà báo và Công luận xin đăng tải bài viết của nhà báo Hải Đường về ông.

Nguyên văn câu nói đã trở thành châm ngôn về nghề làm báo của nhà báo Hữu Thọ là: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Sau này nhiều người nhắc tới nhưng có khi cũng quên mất cha đẻ của nó là ai. Lúc sinh thời, có dịp trò chuyện với ông tôi có hỏi chuyện này. Ông cười hiền: “Kệ chú ạ. Cái gì của mình nói ra, viết ra mà thiên hạ dùng, rồi thành của chung là quý rồi”.

Nói về cái nghề cao quý và lắm nhọc nhằn này, theo chúng tôi, Hữu Thọ là người có những tổng kết sâu sắc nhất. Làm việc dưới quyền ông từ khi ông còn làm Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân, tôi may mắn nhiều lần được nghe ông nói về “công việc của người viết báo” (tên một cuốn sách của Hữu Thọ). Không nói những điều to tát, “người bình luận” của chúng ta lúc nào cũng tỏ rõ sự khiêm cung, rủ rỉ bàn về “tình bút mực” về “âm thanh con chữ”. Tôi nhớ (không nguyên văn) những lời bàn của một bậc thầy chính luận, bậc thầy điều tra và tiểu phẩm: Làm nghề này phải mắt sáng, lòng trong, bút sắc; Làm báo để người ta kính mình không khó, khó hơn là để họ trọng mình; Không sợ cái vô văn hóa, cái phản văn hóa, sợ nhất là cái dưới văn hóa; Nội dung, hình thức đều rất cần, nhưng nội dung là cốt lõi, chữ nghĩa mà cứ kì cọ bóng nhoáng lên thì còn đâu là cái chất bề bộn đời sống nữa; Viết một bài báo ra, có người thích, kẻ ghét là bình thường, nếu viết để tất cả cùng vừa lòng là một bài báo thất bại; Khi trong lòng còn lấn cấn, do dự thì tốt nhất đừng có viết ra; Tôi làm quản lí báo chí, đèn xanh thì đương nhiên rồi, có lúc phải bật đèn đỏ, nhưng khi đèn vàng thì các nhà báo thừa hiểu đó là cơ hội của mình, đừng bỏ lỡ, không thể có lời giải thích nào ở đây.

img_4213.jpeg
Nhà báo Hữu Thọ.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà báo Hữu Thọ có những câu nói mộc mạc nhưng đầy thế sự như thế. Đó là những sợi tơ của một đời tằm rút ruột. Hơn nửa thế kỷ làm lãnh đạo, quản lý và thật sự làm một “thợ cày” chữ nghĩa, ông đã lăn lộn hầu như gần khắp các huyện của đất nước, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Khi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng, lúc lại la cà với mấy bà thợ cấy, mấy bác canh điền tán chuyện nông tang, rít thuốc lào đến… tụt cả nõ điếu. Lần ấy chúng tôi về huyện Mỹ Văn, Hưng Yên công tác, trong bữa ăn trưa, bí thư Huyện ủy nói chuyện về món ăn quê ông, nào là bia cỏ, canh cáy, gỏi cá mè, cá lẻm nấu dưa, húng dũi, dền cơm…Hữu Thọ cười cười: “Mày chính trị thì hơn tao thật, nhưng khoản ăn thì tao hơn mày. Mày để tao nói”. Không khí bữa trưa hôm ấy thật vui, để rồi buổi chiều cuộc làm việc về tình hình cơ sở đảng ở nông thôn đạt kết quả rất tốt. Chủ và khách đều nói hết ý của mình, không ngại đụng tới những vấn đề “nhạy cảm”. Mấy phóng viên trẻ ghi kín cả cuốn sổ tay dầy cộp. Ra về “cụ” Thọ mới bảo: Các cậu không chỉ nghe bằng hai tai mà phải lắngnghe. Hỏi hay, đừng hay hỏi. Hỏi càng đơn giản càng tốt. Có những điều phải tự hỏi mình chứ sao lại hỏi người ta. Tớ đọc bài mấy cậu viết gần đây toàn thấy nghe cả, chả thấy nhìn, chả thấy nghĩ, trơn tuồn tuột từ đầu đến cuối.

Hữu Thọ là cây bút chính luận sắc sảo, tác giả viết điều tra bậc thầy, lại cũng là “sư phụ” trong lĩnh vực tiểu phẩm báo chí. Ông khiêm tốn nói, nội dung quyết định tất thảy, thể loại chỉ là công cụ cho mình chuyển tải tư tưởng thôi. Viết nhiều thể loại nhưng thể loại nào ông cũng có những tác phẩm đỉnh cao. Đó là những loạt bài bình luận chính trị, kinh tế những năm đất nước bước vào công cuộc đổi mới (1986). Đó là những bài điều tra về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, từ “Khoán 100” đến “Khoán 10” những năm 80 thế kỷ XX. Đó là hàng trăm tiểu phẩm xuất sắc được viết bởi tư duy của một “người hay cãi”, mà là cãi hay chứ không phải “cãi cùn”. Sau này riêng mảng tiểu phẩm ông đã xuất bản bốn cuốn sách dầy dặn: “Người hay cãi”, “Sông đỏ, sông đen”, “99 chuyện đời”, “Tình bút mực”. Còn nhớ những năm làm Tổng biên tập Báo Nhân Dân, buổi trưa ăn cơm về, chỉ chợp mắt chừng 20 phút là ông vục dậy viết tiểu phẩm. Chữ ông nhỏ nhưng thoáng, đều tăm tắp, dễ đọc. Viết chừng 40 phút là xong một bài tiểu phẩm chừng 600-700 chữ, vừa kín một mặt giấy khổ A4. Ông ký như cái lò xo ở góc trên bản thảo và bảo mấy anh biên tập: các cậu đọc thấy chỗ nào gờn gợn cứ góp ý để mình sửa. Có những điều viết ra nhưng chưa thật chín, mà chờ chín thì mất tính thời sự. Cái khó của nghề là chỗ đó. Đừng có ai ỷ vào cái ghế, đã làm nghề báo thì ngày nào cũng phải viết.

nhabao.jpg
Nhà báo Nguyễn Hữu Thọ tại buổi giao lưu của Đài Truyền hình Việt Nam ngày 28/1/2000. Ảnh: Minh Điền - TTXVN

Quan sát lao động báo chí của Hữu Thọ chúng tôi thấy ông trân trọng tất cả các thể loại. Với ông một chữ cũng rất đẹp, hơn là để tờ giấy trắng. Cái tin vắn “bao diêm” có giá trị không kém gì một bài đại luận vài nghìn chữ. Ngày 13-8-2015, ông đột ngột qua đời, tôi xúc động viết bài thơ “Mắt sáng, lòng trong” đăng Báo Nhân Dân, có đoạn: Đã viết cả nghìn bài, không có bài “to” bài “nhỏ”/Chăm chút chi li từng mẩu tin/Hãy “cãi” xem nào, Ông dặn chúng tôi như thế/Vì tiếng nói này là tiếng nói nhân dân”.

Sinh thời, Hữu Thọ thích nhất danh xưng nhà báo. Bởi ông không chỉ viết báo, làm lãnh đạo báo chí, mà còn làm thầy dạy ở trường báo chí với chức danh kiêm nhiệm Trưởng khoa ở Học viện Báo chí & Tuyên truyền trong nhiều năm. Ông không thích dẫn ra những “Nguyên” này “Nguyên nọ”. Làm quan một thời đâu phải làm quan một đời. Có dạo, có vị lãnh đạo muốn đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam tính toán đề nghị xây dựng tiêu chí phong danh hiệu Nhà báo Nhân Dân, Nhà báo ưu tú. Hữu Thọ lập tức phản đối. Ý kiến của ông như sau: Chúng ta được gọi là nhà báo là đã hạnh phúc lắm rồi. Nhà báo được dân tin là quý lắm, còn nếu được dân cậy càng quý hơn, đừng phụ lòng người ta. Mang danh này nọ mà không được dân tin cậy thì danh ấy chỉ là cái thứ danh phù.

Hữu Thọ là người lịch lãm, minh triết. Ở ông có sự cuốn hút đặc biệt từ phong cách đến trí tuệ, một trí tuệ không chịu già. Có nhà báo đã phỏng vấn ông tới hơn… 10 lần, có thể in thành một cuốn sách phỏng vấn Hữu Thọ. Vậy mà không trùng lặp. Là vì người trả lời luôn nhớ trước đó mình đã nói gì. Muốn không lặp lại mình thì phải luôn quan sát, lắng nghe, suy nghĩ, như dòng nước luôn tuôn chảy, ráng cùng những dòng, những xoáy nước khác tạo nên những trầm tích mới, những “phù sa văn hóa”.

Thấm thoắt Hữu Thọ đã vào cuộc vân du gần tròn 10 năm rồi. Khi viết những dòng này tôi vẫn thấy như đang được hầu chuyện ông. Câu đầu tiên ông hỏi vẫn là “Có gì mới không?”. Và ông lại dặn: “Không có gì chóng cũ bằng chính cái mới”. Vì luôn lo cũ nên ông không rời cây bút. Bận việc, có khi ông vừa đi vừa “viết”, là viết ở trong đầu, như trường hợp bài “Đêm nay trên đường Hàng Trống”. Con đường phố thân quen ấy có trụ sở Báo Đảng ở số 71, ông đã gắn bó cả đời làm báo. Bài viết ngắn mà như một tùy bút xúc động về nghề. Ông viết rằng, mỗi tối khuya trở về nhà ra khỏi cổng tòa soạn lòng đầy ắp niềm vui vì đã gửi gắm bao điều vào số báo ngày mai, lại hồi hộp chờ đợi sớm mai bạn đọc sẽ thích điều gì, chê trách điều gì. Nhưng vui chưa lâu thì đã lại lo, lo rằng ngày mai lấy gì mà đăng?

Từ con đường Hàng Trống thân yêu, chúng tôi nghĩ đến những con đường Hà Nội, những con đường cách mạng và kháng chiến góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc, của thời đại. Nhiều con đường đã gắn liền với tên tuổi các nhà cách mạng tiền bối, nhà lãnh đạo, nhà văn hóa để ghi nhận công lao to lớn, trí tuệ và tấm lòng của họ. Và chúng tôi hy vọng một ngày nào đó có một con đường mang tên nhà báo Hữu Thọ yêu quý của chúng ta!

Hải Đường