Sức khỏe

Công tác quản lý có vấn đề đối với thực phẩm chức năng, sữa

Nam Nguyên 17/05/2025 12:12

(CLO) Nhiều cơ sở sản xuất sữa giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng bị nhà chức trách phát hiện, khởi tố, điều này đặt ra câu hỏi về công tác quản lý từ cấp địa phương đến Bộ, ban, ngành.

Vừa qua, Công an thành phố Hà Nội vừa phá chuyên án, bắt giữ 7 nghi phạm, thu giữ trên 100 tấn thực phẩm chức năng giả trên địa bàn toàn quốc.

Kết quả khám xét khẩn cấp tại các địa điểm thu giữ được 30 khuôn bế dập gân vỏ hộp, hơn 28.500 hộp thực phẩm chức năng, hơn 34.800 lọ thực phẩm chức năng, hơn 38.900 vỉ chứa các viên thực phẩm chức năng, hơn 8.500 thùng chứa nhiều vỏ hộp các loại, gần 100 thùng tem nhãn, các loại máy móc, dây chuyền, công cụ, nguyên vật liệu… để sản xuất hàng giả.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại.

Thời gian gần đây, nhiều công ty bị nhà chức trách phát hiện thực phẩm chức năng giả, sữa giả. Vì vậy, Phóng viên báo Nhà báo và Công Luận đã có cuộc tra đổi với các Đại biểu quốc hội (ĐBQH) để có những nhìn nhận đánh giá, khách quan về vấn đề này.

“Công tác quản lý có vấn đề”

Phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào công tác quản lý còn yếu kém. Ở các tỉnh thành có đội ngũ quản lý thị trường, bên cạnh đó còn có cả sở chuyên quản lý về an toàn thực phẩm. Nhưng khi phát hiện vụ việc thì lại là báo chí hay mạng xã hội đăng lên thì mới vào cuộc, kiểm tra. Như vậy công tác quản lý đang có vấn đề”.

Đồng thời, đại biểu đoàn Đồng Nai cho biết các vụ việc vừa qua cho thấy cách thức, hình thức làm giả, mức độ ngày càng phức tạp, tinh vi với khối lượng, số lượng ngày càng lớn, đơn cử như các vụ sữa giả vừa được phát hiện vừa qua.

Ngoài nguyên nhân từ buông lỏng quản lý, còn có nguyên nhân từ nhận thức của người dân về các sản phẩm giả, kém chất lượng không cao. Quan điểm cá nhân của ông An khi dẫn đến tình trạng này là sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng. Khi phát hiện vấn đề, cơ quan công an không thể đủ lực lượng để đi quản lý, theo dõi mà cần có sự phối hợp liên ngành, các đơn vị để xử lý nhanh, ngay lập tức.

xuan an
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai

Đại biểu Trịnh Xuân An chia sẻ: "Chúng ta có đủ công cụ về pháp luật. Tại sao để xảy ra chuyện như vậy để đến bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi nhận hối lộ, vi phạm pháp luật, nhận tiền để bỏ qua lỗi. Đây là vấn đề cần tập trung đánh giá. Trong kỳ họp này, chúng ta nói nhiều đến phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm nhưng điều các ĐBQH quan tâm là khả năng giám sát. Hiện chúng ta đang thiếu cơ chế giám sát nhất là đội ngũ quản lý, nhất là đội ngũ quản lý trực tiếp".

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm, có rất nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý, "trên một mâm cơm có rất nhiều bộ, ngành cùng làm", người quản lý về quảng cáo, người quản lý về sản xuất, chất lượng sản phẩm, quản lý thị trường.

Với hàng loạt vụ việc vừa qua liên quan đến an toàn thực phẩm, theo ông An, không chỉ Bộ Y tế, còn có Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và trách nhiệm địa phương.

“Lách luật” đưa sản phẩm ra ngoài thị trường

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), thì vấn đề lợi nhuận khổng lồ từ việc sản xuất hàng giả, đặc biệt các sản phẩm về sữa, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh đã khiến người kinh doanh, sản xuất bất chấp tất cả.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) tâm sự: “Phải chăng, thời gian qua, đạo đức doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức khiến cho những đơn vị, tổ chức, cá nhân dù biết chế tài, hiểu được việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe người tiêu dùng, nhưng vẫn vi phạm”.

Theo bà Nga, tình trạng thực phẩm chức năng kém chất lượng xuất hiện tràn lan như hiện nay là do nhận thức người tiêu dùng. Nhiều người tiêu dùng chưa phân biệt được sản phẩm chính thống, chất lượng cao với sản phẩm kém chất lượng.

viet_nga.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương (Ảnh: Hồ Long).

Trong bối cảnh thiếu công cụ để đối soát, họ nghe quảng cáo thổi phồng các công dụng của sản phẩm và dễ dàng tin tưởng. Các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng khi đưa ra thị trường, nhà sản xuất tự công bố chỉ tiêu chất lượng mà không có sự kiểm định trước, việc kiểm soát được thực hiện thông qua công tác hậu kiểm”, bà Nguyễn Thị Việt Nga thông tin.

Điều này là một trong những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp lách luật, công bố sai các hàm lượng dẫn đến sản phẩm giả, kém chất lượng xuất hiện tràn lan như hiện nay. Đại biểu đoàn quốc hội đoàn Hải Dương cũng kiến nghị các biện pháp khắc phục tình trạng trên, cần tăng cường hậu kiểm, đặc biệt đối với các sản phẩm mới, được quảng cáo rầm rộ trên thị trường, mạng xã hội.

Bên cạnh đó, phải kiện toàn đội ngũ thực hiện công tác thanh, kiểm tra, vì đội ngũ hiện nay còn mỏng, kinh phí ngân sách ít. Song song với đó, cần rà soát chế tài bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng mạnh sao cho đủ răn đe để các doanh nghiệp không dám vi phạm. Mặt khác, cần nâng cao đạo đức kinh doanh và đạo đức doanh nghiệp, đưa nội dung này trở thành môn học bắt buộc tại các trường đại học chuyên ngành.

Nam Nguyên