Tin tức sẽ đi về đâu khi Google và AI không còn dẫn 'đường link'?
(CLO) Báo cáo mới từ Trung tâm Tow (Mỹ) đã vẽ nên viễn cảnh không mấy sáng sủa cho báo chí toàn cầu: AI đang thay đổi cách người ta tiếp cận tin tức, và điều đó có thể đẩy báo chí đến bờ vực bị lãng quên.
Tại một phiên tòa chống độc quyền hồi tuần trước, phó chủ tịch cấp cao của Apple, ông Eddy Cue, tiết lộ sự thật đáng báo động: lần đầu tiên trong hơn hai thập kỷ, số lượt tìm kiếm thông qua trình duyệt Safari đã sụt giảm.
Theo ông, một trong những nguyên nhân lớn nhất là sự trỗi dậy của các công cụ trí tuệ nhân tạo – những chatbot như ChatGPT hay Perplexity giờ đây có thể trả lời trực tiếp các câu hỏi mà không cần dẫn người dùng đến bất kỳ trang tin nào.
.png)
Điều này gợi nhắc đến viễn cảnh “Google Zero” – thuật ngữ do tổng biên tập The Verge đặt ra, dùng để mô tả thời điểm Google không còn chuyển lưu lượng truy cập đến các trang web bên ngoài.
Thay vì hiển thị các đường dẫn liên kết đến website (đường link) truyền thống, Google ngày càng ưu tiên trả lời trực tiếp thông qua tính năng “Tổng quan AI” – hệ thống tổng hợp thông tin bằng trí tuệ nhân tạo, lấy nội dung từ nhiều nguồn mà không cần người dùng phải rời khỏi Google.
Hệ quả là lượng truy cập từ Google của các trang báo giảm thê thảm. Một khảo sát của Bain & Company chỉ ra rằng 80% người dùng cảm thấy đủ thông tin khi đọc câu trả lời do AI tổng hợp, không cần phải nhấp vào bất kỳ đường dẫn nào.
Báo chí giờ đây bị đẩy vào thế khó: nội dung của họ vẫn được sử dụng để huấn luyện AI và tạo ra các câu trả lời, nhưng họ lại không được chia sẻ lợi nhuận hoặc ghi nhận nguồn gốc rõ ràng. Một số công ty như OpenAI và Perplexity đã chủ động ký hợp đồng cấp phép nội dung với các nhà xuất bản, nhưng số lượng này rất ít ỏi.
Google và Meta – những gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm và mạng xã hội – mới chỉ có một thỏa thuận cấp phép duy nhất, trong khi vẫn tiếp tục hiển thị nội dung do AI tạo ra từ các nguồn không được cấp phép.
Vấn đề càng trở nên trầm trọng với các tờ báo nhỏ, đặc biệt là báo địa phương. Họ thường là nguồn duy nhất nắm thông tin tại chỗ, nhưng lại gần như không có tiếng nói trong các cuộc đàm phán với các công ty công nghệ. “Giá trị của họ rất lớn, nhưng quyền lực thương lượng thì bằng không”, một người được phỏng vấn trong báo cáo của Tow nói.
Không ít nhà báo tỏ ra bi quan. AI không chỉ thay đổi cách con người tiếp cận tin tức mà còn đe dọa bóp nghẹt mô hình kinh doanh của báo chí – vốn phụ thuộc vào lượng người đọc để thu quảng cáo hoặc bán đăng ký. Nếu độc giả chỉ đọc nội dung do AI tổng hợp, báo chí sẽ không còn nguồn thu để tồn tại.
Song vẫn có những tia hy vọng. Một số chuyên gia cho rằng trong thế giới tràn ngập thông tin do AI tạo ra, nội dung chất lượng và có kiểm chứng sẽ trở thành tài sản quý giá hơn bao giờ hết.
Nhưng để tồn tại, báo chí không thể ngồi chờ các nền tảng “ban phát” truy cập, mà họ cần chủ động đàm phán, bảo vệ quyền lợi và thích nghi với một thế giới nơi AI là cánh cổng đầu tiên mà người đọc bước qua.