Thế giới 24h

Bí ẩn cột sắt ở Ấn Độ không bao giờ bị rỉ sét trong 1.600 năm

Hà Trang (theo CNN) 18/05/2025 06:33

(CLO) Liệu một cấu trúc bằng sắt có thể tồn tại suốt 1.600 năm mà không bị rỉ sét, bất chấp mọi tác động của thiên nhiên? Điều này dường như khó tin, đặc biệt khi xét đến công nghệ hạn chế tại thời điểm xây dựng.

Tuy nhiên, bên trong quần thể Qutb Minar - di sản thế giới được UNESCO công nhận tại New Delhi, Ấn Độ - tồn tại một cột sắt bí ẩn, thách thức mọi hiểu biết thông thường về sự ăn mòn kim loại.

Nằm ở sân trong của Nhà thờ Hồi giáo Quwwat-ul-Islam, cột sắt cao 7,2 mét, nặng 6 tấn với phần đỉnh được chạm khắc tinh xảo, thậm chí còn cổ xưa hơn cả quần thể kiến trúc xung quanh.

Screenshot 2025-05-17 142122
Cột sắt được xây dưới thời trị vì của vua Chandragupta II. (Ảnh: Delhi Wonders)

Điều đáng kinh ngạc là sau hàng thế kỷ, cột sắt này vẫn giữ được sự nguyên vẹn như thuở ban đầu, mặc cho sự khắc nghiệt của khí hậu New Delhi và mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng. Có niên đại từ thế kỷ thứ 5, sức bền đáng nể của nó tiếp tục là điều kỳ bí thu hút du khách và các nhà khoa học.

Bí ẩn về khả năng chống ăn mòn

Thông thường, các cấu trúc sắt khi tiếp xúc với không khí hoặc độ ẩm sẽ bị oxy hóa và rỉ sét nếu không được bảo vệ. Tháp Eiffel ở Pháp là một ví dụ, cần được phủ nhiều lớp sơn để chống ăn mòn. Tuy nhiên, cột sắt tại Delhi vẫn đứng vững qua hàng thế kỷ mà không cần đến biện pháp bảo vệ nào.

Từ năm 1912, các nhà khoa học trong và ngoài Ấn Độ đã bắt đầu nghiên cứu cấu trúc này để tìm hiểu bí mật đằng sau sự bền bỉ đó. Mãi đến năm 2003, các chuyên gia tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) ở Kanpur mới giải mã được hiện tượng này.

undefined
Chi tiết cho thấy dòng chữ khắc của Vua Chandragupta II. Ảnh: CC/Wiki

Họ phát hiện cột sắt được làm từ sắt rèn với hàm lượng phốt pho cao (khoảng 1%), không chứa lưu huỳnh và magiê - khác biệt so với sắt hiện đại. Đặc biệt, các thợ thủ công xưa đã áp dụng kỹ thuật "hàn rèn" độc đáo, tức là nung nóng và đóng búa trực tiếp lên sắt, giữ nguyên hàm lượng phốt pho.

Nhà khảo cổ học luyện kim R. Balasubramaniam cho biết phương pháp này đã góp phần tạo nên sự bền bỉ phi thường cho cột sắt. Ông còn giải thích rằng trên bề mặt cột hình thành một lớp "misawite" – hợp chất của sắt, oxy và hydro, được xúc tác bởi phốt pho và sự thiếu vắng của vôi. Chính lớp bảo vệ tự nhiên này đã giúp cột sắt chống chọi với sự ăn mòn qua nhiều thế kỷ.

Sự bền bỉ của cột sắt được ghi nhận qua các tài liệu lịch sử, trong đó có sự kiện vào thế kỷ 18 khi một viên đạn đại bác bắn vào cột nhưng không làm tổn hại đến nó. Ngày nay, cột sắt này trở thành biểu tượng cho các tổ chức khoa học như Phòng thí nghiệm Luyện kim Quốc gia và Viện Kim loại Ấn Độ, minh chứng cho sức mạnh luyện kim cổ xưa của Ấn Độ.

Ý nghĩa văn hóa và nỗ lực bảo tồn

Theo truyền thuyết, nếu bạn đứng quay lưng vào trụ, vòng tay ôm và các ngón tay chạm nhau, điều ước sẽ thành hiện thực. Tuy nhiên, để bảo tồn, Cục Khảo cổ học Ấn Độ đã dựng hàng rào bảo vệ nhằm giảm tác động của con người.

Pragya Nagar, một kiến trúc sư bảo tồn, cho rằng việc bảo tồn trụ sắt không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là minh chứng cho kỹ thuật luyện kim bền vững. Bà cho rằng, nếu nghiên cứu sâu hơn về kỹ thuật này, ta có thể tìm ra giải pháp phát triển vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, đóng góp vào tương lai bền vững.

Hà Trang (theo CNN)