Tin tức

UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Di sản vượt thời đại, vẹn nguyên giá trị thời sự

Diệu Hương 18/05/2025 21:29

(CLO) Từ năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi nhận và vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Nghị quyết lịch sử này không chỉ tôn vinh một con người mà còn khẳng định những di sản tư tưởng, đạo đức và nhân văn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại mang tính phổ quát, vượt thời đại và giữ nguyên giá trị thời sự.

132.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nhà máy Uralmash (thành phố Sverdlovsk) trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Liên Xô, tháng 7/1955. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Khẳng định này được Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Brazil - Việt Nam Pedro da Oliveira nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Nam Mỹ nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025).

Ông Oliveira cho biết, tại khóa họp lần thứ 24 của Đại hội đồng UNESCO diễn ra ở Paris (Pháp) năm 1987, tổ chức này đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65, trong đó ghi nhận năm 1990 là dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời nêu rõ Người là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Theo nhà báo, nhà sử học người Brazil, Nghị quyết này không chỉ thể hiện tầm vóc vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn là minh chứng rõ ràng cho sự chính nghĩa của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đó là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì công lý và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Ông Oliveira – người có nhiều năm nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh – cho biết, trên hành trình đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với nhiều dân tộc và nền văn minh khác nhau. Đặc biệt, Người từng sinh sống tại Brazil trong khoảng nửa năm. Sự kiện này cũng đã được ghi nhận bằng một dấu mốc đầy xúc động.

Tháng 11/2024, trong chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, một buổi lễ khánh thành biển kỷ niệm 112 năm ngày thanh niên Nguyễn Tất Thành đặt chân đến Rio de Janeiro đã diễn ra trang trọng và cảm động.

Tại buổi lễ, tất cả các đại biểu có mặt đã cùng vỗ tay và cất vang bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, tạo nên một khoảnh khắc thiêng liêng, thể hiện sự kính trọng sâu sắc của nhân dân Brazil đối với vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam.

Theo ông Oliveira, tấm biển tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Brazil không chỉ ghi dấu một chặng đường lịch sử của Người mà còn là biểu tượng đặc biệt về tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước. Đó cũng là biểu trưng cho khát vọng hòa bình, sự cảm thông và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các dân tộc yêu chuộng tự do và công lý trên toàn thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình – đã trở thành biểu tượng bất tử của ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Dù ở nơi nào trên thế giới, dù Người chưa từng đặt chân đến, thì tư tưởng, đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh vẫn luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong các phong trào đấu tranh vì tự do, công lý và tiến bộ xã hội.

Đáng chú ý, ông Oliveira là tác giả cuốn sách “Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp của vị lãnh tụ giải phóng dân tộc Việt Nam” bằng tiếng Bồ Đào Nha. Tác phẩm này đã được tái bản 3 lần và vinh dự nhận giải Nhất loại hình sách in tại Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ 8.

Diệu Hương