Kinh tế

3 nỗi sợ của doanh nghiệp tư nhân

Việt Vũ 19/05/2025 08:11

(CLO) Ngay sau khi Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị diễn ra vào ngày 18/5, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) đã có một số chia sẻ về 3 nỗi sợ của doanh nghiệp tư nhân hiện nay.

Theo ông Châu, trong nhiều năm qua, doanh nghiệp tư nhân có 3 nỗi sợ. Thứ nhất, sợ ma trận thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, kéo dài, nhất là doanh nghiệp bất động sản mất 3-5 năm hoặc lâu hơn để thực hiện các thủ tục hành chính làm mất cơ hội đầu tư và làm cho thị trường thiếu nguồn cung nhà ở, lệch pha sản phẩm về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu nghiêm trọng nhà ở bình dân và đẩy giá nhà lên quá cao.

Thứ hai, sợ bị thanh tra, kiểm tra chồng chéo nhiều lần, đơn cử như trường hợp của một doanh nghiệp chuyên xây dựng nhà ở xã hội tại TP HCM, họ tự bỏ tiền mua đất để làm dự án nhà ở xã hội, không sử dụng vốn ngân sách, không nhận được ưu đãi tín dụng, nhưng 3 năm liên tiếp bị thanh tra.

9e9dcb1a-28d4-4ba9-8fb8-6d9c590a75ad.jpg
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM. (Ảnh: HoREA)

Đơn vị thanh tra đưa ra quan điểm coi doanh nghiệp tư nhân có sử dụng đất, mà đất là tài sản công nên thuộc đối tượng kiểm toán, như vậy là làm khó doanh nghiệp làm nhà ở xã hội.

Thứ ba, sợ bị vướng pháp luật hình sự trong quá trình làm ăn sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch HoREA nhấn mạnh: Hiện nay, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được các doanh nhân gọi là Nghị quyết “Lộc - phát” đã hóa giải được 3 nỗi sợ trên đây của các doanh nghiệp tư nhân, mở ra kỷ nguyên mới, không gian rộng mở để kinh tế tư nhân phát triển trở một động lực chính của nền kinh tế quốc gia.

Nghị quyết 68 cũng tạo điều kiện trong 10-15 năm tới sẽ hình thành 10-15 tập đoàn kinh tế tư nhân “đại bàng - sếu đầu đàn”.

Dù vậy, ông Châu kiến nghị cần có cơ chế để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm khi làm việc với Ban Chính sách Chiến lược Trung ương ngày 24/2/2025.

Tổng Bí thư cho rằng, cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, yêu cầu đưa môi trường đầu tư kinh doanh phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; ít nhất 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là hải quan, chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; phấn đấu trong vòng 2 - 3 năm môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong Top 3 của ASEAN.

Lần đầu tiên, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo đấu tranh, chấm dứt vấn nạn chi phí không chính thức là vấn đề đau đầu, nhức nhối mà cộng đồng doanh nhân phản ánh.

Doanh nghiệp tư nhân chỉ mong muốn việc thể chế hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị vào các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành trong cùng ngày 17/5/2025 có một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân”sẽ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, công bằng.

Đồng thời với thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp bộ máy Nhà nước, sáp nhập nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chuyển hẳn từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ người dân, doanh nghiệp và quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách triệt để thể chế pháp luật do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu.

Việt Vũ