Đời sống văn hóa

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Xâm phạm lăng mộ vua Lê là cú sốc văn hóa, lời cảnh tỉnh về lỗ hổng bảo vệ di sản

Trung Nguyễn (thực hiện) 19/05/2025 09:52

(CLO) Lăng mộ vua Lê Túc Tông – một phần quan trọng trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh bị đào bới để tìm kiếm cổ vật. Sự việc không chỉ gây phẫn nộ trong dư luận mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về ý thức xã hội, trách nhiệm quản lý và công tác bảo vệ di sản.

Mới đây, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để lắng nghe những phân tích sâu sắc từ góc nhìn văn hóa, chính sách và đạo đức xã hội.

PV: Thưa PGS. TS Bùi Hoài Sơn, ông nhìn nhận như thế nào về vụ việc lăng mộ vua Lê Túc Tông bị xâm phạm để tìm kiếm cổ vật?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Vụ việc lăng mộ vua Lê Túc Tông – một phần thiêng liêng trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh bị đào bới không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là một cú sốc văn hóa nghiêm trọng. Nó gây tổn thương sâu sắc đến ký ức lịch sử và niềm tự hào dân tộc. Đây không đơn thuần là nơi an nghỉ của một vị vua, mà là biểu tượng cho thời kỳ rực rỡ của triều đại Lê sơ – giai đoạn đặt nền móng cho quốc gia độc lập, văn hiến.

z6063588512083_a013a3f5e9fb4f42c301746a2fc95e86 (1)
PGS. TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có những chia sẻ sâu sắc trước vấn đề Lăng mộ vua Lê Túc Tông – một phần quan trọng trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh bị đào bới để tìm kiếm cổ vật.

Từ góc độ người làm chính sách văn hóa, tôi cho rằng đây là hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng trong công tác bảo vệ di sản. Khi một di tích quốc gia đặc biệt vẫn có thể bị xâm phạm một cách trắng trợn, thì phải đặt ra câu hỏi nghiêm túc về hệ thống giám sát, cơ chế quản lý và đặc biệt là ý thức xã hội.

Tuy nhiên, trong biến cố luôn ẩn chứa cơ hội. Vụ việc này buộc chúng ta phải nhìn nhận lại toàn diện cách thức bảo vệ di sản trong bối cảnh hiện đại. Không thể chỉ trông chờ vào hàng rào hay biển cấm – di sản chỉ được gìn giữ khi nó sống trong trái tim mỗi người dân. Muốn làm được điều đó, cần có chiến lược truyền thông sâu rộng, giáo dục văn hóa bài bản và hệ thống pháp luật đủ mạnh mẽ để răn đe.

PV: Theo ông, vụ việc này phản ánh điều gì về ý thức cộng đồng và trách nhiệm của các cấp ngành trong công tác gìn giữ di sản hiện nay?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Đây là một tấm gương phản chiếu rõ ràng về những bất cập trong ý thức xã hội và hệ thống quản lý di sản. Dù có tiến bộ trong xếp hạng, công nhận và đầu tư, thì khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn vẫn còn rất lớn.

Một mặt, vụ việc cho thấy một bộ phận người dân vẫn nhìn di tích như nơi cất giữ “vàng bạc, cổ vật” chứ không phải là ký ức và giá trị tinh thần. Công tác giáo dục văn hóa, lịch sử vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu.

Mặt khác, trách nhiệm của các cấp – đặc biệt là cấp cơ sở còn nhiều điểm yếu. Với một di tích đặc biệt như Lam Kinh, cần có lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, giám sát 24/7, hệ thống camera, tuần tra định kỳ. Nhưng thực tế lại cho thấy sự lỏng lẻo, thiếu đầu tư và phối hợp.

Chúng ta cần thay đổi tư duy quản lý từ hành chính sang kiến tạo một “hệ sinh thái di sản” – nơi di tích được sống, được kể chuyện, được kết nối với cộng đồng, du lịch, giáo dục và sáng tạo. Khi di sản trở thành một phần thiết thân trong đời sống, những hành vi xúc phạm mới thực sự không còn đất sống.

Ảnh màn hình 2025-05-19 lúc 09.06.17
Lăng mộ vua Lê Túc Tông. Ảnh: Bộ VHTT&DL

PV: Từ góc độ văn hóa và đạo đức xã hội, hành vi xâm phạm lăng mộ vua có thể gây ra những hệ lụy gì?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Xâm phạm di tích, đặc biệt là lăng mộ của một vị vua là sự xúc phạm nghiêm trọng đến quá khứ và đòn giáng mạnh vào nền tảng đạo lý hiện tại. Nó tổn thương niềm tin văn hóa, gây bất an trong xã hội và làm xói mòn những chuẩn mực đạo đức.

Lăng mộ vua Lê Túc Tông là biểu tượng của truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Khi nơi yên nghỉ của một bậc minh quân bị xâm phạm, cộng đồng cảm thấy như một phần linh hồn lịch sử bị đánh mất.

Về đạo đức, việc xâm phạm nơi an nghỉ của người đã khuất lại là một vị vua hiền là hành vi trái luân thường, đi ngược văn hóa thờ cúng tổ tiên. Điều này làm suy yếu mối liên kết giữa các thế hệ, khiến xã hội mất phương hướng về chuẩn mực đúng sai.

Tệ hại hơn, nếu không được ngăn chặn kịp thời, những hành vi này sẽ bào mòn bản sắc văn hóa. Di sản sẽ không còn là niềm tự hào, mà trở thành công cụ trục lợi. Lịch sử bị bóp méo bởi lòng tham và đó là lúc xã hội đánh mất chính mình.

PV: Việc có đối tượng nước ngoài bị bắt giữ cho thấy điều gì về tính chất của tội phạm cổ vật hiện nay, thưa ông?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Đây là lời cảnh tỉnh rõ ràng về nạn trộm cắp cổ vật đang ngày càng phức tạp, tinh vi và mang yếu tố quốc tế. Không còn là hành vi tự phát, mà đã trở thành dạng tội phạm có tổ chức, xuyên biên giới, gắn với thị trường “chợ đen” cổ vật toàn cầu.

Việt Nam với kho di sản dày đặc đang trở thành mục tiêu của các đối tượng có hiểu biết, có mạng lưới và thiết bị hiện đại. Khi họ có thể tiếp cận những địa điểm nhạy cảm như lăng mộ vua, rõ ràng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí có sự tiếp tay từ bên trong.

Chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận trong bảo vệ di sản không thể chỉ dựa vào hàng rào và người trông coi. Đây là vấn đề mang tính chiến lược quốc gia, đòi hỏi sự phối hợp giữa ngành văn hóa, công an, ngoại giao, hải quan và mạng lưới quốc tế như Interpol hay UNESCO.

PV: Ông có đề xuất gì để tăng cường công tác bảo vệ di sản, đặc biệt là các di tích mang tính thiêng liêng như lăng mộ vua Lê Túc Tông?

Ảnh màn hình 2025-05-19 lúc 09.06.55
Hố kẻ gian đào bới có kích thước 90cmx52cm, sâu khoảng 1,6m. Ảnh: CA Thanh Hóa

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng, cần một hệ giải pháp đồng bộ, đa tầng và lâu dài. Không thể chỉ trông chờ vào những biện pháp xử lý sau khi sự cố xảy ra, mà phải thay đổi cách tiếp cận, từ “bảo vệ vật thể” sang “bảo vệ bằng hệ sinh thái văn hóa – xã hội” toàn diện.

Thứ nhất, cần xây dựng một cơ chế bảo vệ di tích theo hướng hiện đại và chủ động, kết hợp giữa lực lượng bảo vệ chuyên trách, công nghệ giám sát (camera, cảm biến, cảnh báo từ xa), và mạng lưới cộng đồng giám sát địa phương. Những di tích có giá trị đặc biệt như lăng mộ các vị vua, các địa điểm tâm linh linh thiêng, cần được xác lập là “vùng đỏ di sản” – với chế độ bảo vệ nghiêm ngặt hơn, có đội tuần tra định kỳ và hệ thống an ninh ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện sớm dấu hiệu xâm phạm.

Thứ hai, kiến nghị đẩy mạnh truyền thông và giáo dục di sản trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khi người dân không hiểu được ý nghĩa sâu sắc của di tích, họ sẽ khó có trách nhiệm bảo vệ. Cần tích cực đưa các câu chuyện di sản vào trường học, bảo tàng, phim ảnh, nền tảng số; tổ chức các tour du lịch văn hóa kết hợp kể chuyện lịch sử tại chỗ để tăng cảm xúc gắn bó. Khi cộng đồng cảm thấy tự hào, thấy di sản là một phần của chính mình, thì họ sẽ chủ động trở thành người gìn giữ.

Thứ ba, cần kiện toàn lại hệ thống pháp luật và tăng chế tài xử lý các hành vi xâm phạm di sản. Không thể xem đây là vi phạm hành chính đơn thuần, mà phải nâng lên thành hành vi xâm hại tài sản quốc gia, tài sản tinh thần của cộng đồng. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế giám sát xuyên suốt giữa các ngành: văn hóa, công an, tư pháp, chính quyền địa phương – không để tình trạng “khoán trắng” cho một đơn vị quản lý mà thiếu phối hợp tổng thể.

Thứ tư, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ di sản, nhất là trước xu hướng quốc tế hóa nạn trộm cắp cổ vật. Các cơ quan chức năng nên kết nối với mạng lưới bảo vệ cổ vật toàn cầu, phối hợp với Interpol và các tổ chức UNESCO để truy vết, ngăn chặn các đối tượng buôn bán cổ vật qua biên giới, đồng thời học hỏi mô hình quản trị di sản số, ứng dụng blockchain để định danh, quản lý hiện vật như một số nước tiên tiến đã triển khai.

Thứ năm, đề xuất hình thành quỹ bảo vệ và phát huy giá trị di sản, huy động từ Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng – dùng cho các hoạt động nâng cấp an ninh, bảo tồn cấp thiết, truyền thông và đào tạo cán bộ. Bảo vệ di sản không thể chỉ trông vào ngân sách eo hẹp, mà cần cả sự tham gia trách nhiệm từ toàn xã hội.

Cuối cùng, phải xác lập một tinh thần mới: bảo vệ di sản là bảo vệ chính mình, bảo vệ cội rễ tinh thần dân tộc trong hành trình hiện đại hóa và hội nhập. Những di tích như lăng mộ vua Lê Túc Tông không chỉ nằm trong đất đai, mà nằm trong huyết mạch văn hóa Việt Nam. Gìn giữ chúng là giữ lấy bản lĩnh và niềm tự hào của một dân tộc.

- Xin cảm ơn ông!

Trung Nguyễn (thực hiện)