Điểm tên những vụ sản xuất hàng giả gây ‘chấn động’ từ đầu năm đến nay
(CLO) Liên tiếp các vụ việc được cơ quan quản lý nhà nước phát hiện về hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả. Điều này cho thấy thị trường đang vô cùng “hỗn loạn” giữa hàng thật – hàng giả.
Thời gian gần đây, cơ quan Công an các tỉnh, thành phố đã triệt phá nhiều chuyên án gây “chấn động” về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả.
Điều đáng nói, các cơ sở này được phát hiện với số lượng lớn, sản xuất trong một thời gian dài mà không bị cơ quan nào phát hiện. Độc giả, cùng phóng viên Báo Nhà báo và Công luận ‘điểm danh’ những vụ hàng giả “kinh hoàng” từ đầu năm 2025 đến nay.
Hà Nội thu giữ hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả
Vừa qua, ngày 16/5 Công an thành phố Hà Nội cho hay vừa phá chuyên án, bắt giữ 7 nghi phạm, thu giữ trên 100 tấn thực phẩm chức năng giả trên địa bàn toàn quốc.
Đường dây này do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (cùng sinh năm 1988, cư trú tại số 1 LK 11, khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu. Các đối tượng khai đã thành lập 17 công ty, trong đó có 6 công ty có chức năng nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty có chức năng phân phối hàng hóa trong nước.
Cơ quan điều tra đã đồng loạt tổ chức khám xét khẩn cấp gần 20 điểm liên quan đến ổ nhóm này là nơi sản xuất, gia công, cất giấu, tiêu thụ hàng hóa rải rác trên 20 tỉnh, thành phố trong toàn quốc.

Kết quả khám xét khẩn cấp tại các địa điểm thu giữ được: 30 khuôn bế dập gân vỏ hộp, hơn 28,5 nghìn hộp thực phẩm chức năng; hơn 34,8 nghìn lọ thực phẩm chức năng; gần 39 nghìn vỉ chứa các viên thực phẩm chức năng; hơn 8,5 nghìn thùng chứa nhiều vỏ hộp các loại, gần 100 thùng tem nhãn, các loại máy móc, dây chuyền, công cụ, nguyên vật liệu… để sản xuất hàng giả, tương đương hơn 100 tấn hàng hóa là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả (khoảng hơn 100 mã sản phẩm khác nhau).
Thanh Hóa: Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả
Ngày 16/4, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh vừa phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ, khởi tố 14 bị can về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.
Qua đó, lực lượng Công an phát hiện lập biên bản thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả. Lực lượng chức năng còn thu giữ các nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ sản xuất thuốc giả.
Nhóm đối tượng do Nguyễn Tiến Đạt, sinh năm 1991 trú tại Chung cư Hapulico, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cầm đầu và câu kết với nhóm đối tượng của Trịnh Doãn Giáo, sinh năm 1985 trú tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh là đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, xương khớp.
.jpg)
Các đối tượng đã đầu tư mua thiết bị, máy móc, các nguyên liệu dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; thuê nhân công trộn lẫn nghiền thành bột, ép thành viên nang, vỉ, đóng gói thành phẩm thuốc giả, đưa ra thị trường bán qua các kênh phân phối. Từ năm 2021 đến khi bị bắt các đối tượng đã sản xuất, bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng.
Hà Nội: Triệt phá đường dây sản xuất sữa bột giả với gần 600 chủng loại
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Đồng thời, khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây nói trên cùng 6 bị can khác về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan Công an xác định từ tháng 8/2021, nắm bắt được nhu cầu gia tăng của các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột tại thị trường trong nước, nhóm đối tượng do Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà chủ mưu cầm đầu thành lập doanh nghiệp Công ty Rance Pharma địa chỉ tại khu nhà ở Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội và Công ty Hacofood Group, địa chỉ tại LK52-10, Khu đô thị mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội để trực tiếp tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả.

Đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này.
Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả. Các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.
TP HCM: Phá đường dây sản xuất thuốc giả ‘khủng’, huy động 11 xe tải chở tang vật
Ngày 14/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 22 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả này do Ngô Kim Diệu (41 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Kingpharm, trụ sở tại Q.Bình Tân) và Nguyễn Thị Ngọc Hương (39 tuổi, vợ Diệu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiến Lâm, trụ sở tại Q.8) cầm đầu.
Quá trình khám xét, Công an thu giữ 1.164 thùng thuốc thành phẩm và nguyên liệu, trong đó có 56.255 đơn vị sản phẩm thuốc giả thành phẩm; hơn 1.600kg bột nguyên liệu dùng để sản xuất viên nén thuốc giả; 5 hệ thống máy móc để đóng viên nang, ép vỉ, đóng lọ, cán nóng ép miệng túi bao bì…

Cơ quan điều tra xác định, vợ chồng này sản xuất thuốc giả từ năm 2018 đến nay. Diệu - Hương tìm mua một số nguyên liệu thuốc đông y, hoạt chất tân dược có chức năng chữa một số bệnh cụ thể, sau đó về nghiền thành bột trộn lẫn với các loại bột khác, rồi đóng thành viên nang, ép vỉ, dán gói, đóng lọ, đóng gói thành phẩm thuốc giả.
Khác với các trường hợp sản xuất buôn bán thuốc giả trước đây, Diệu không làm giả bất kỳ thương hiệu thuốc nào đang lưu hành trên thị trường trong và ngoài nước mà tự nghĩ ra tên một công ty “ma” có trụ sở chủ yếu tại Malaysia và Singapore để in trên bao bì nhằm thể hiện sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài.