Chất lượng 'tệ', diện tích chưa phù hợp khiến người dân không muốn vào ở nhà ở xã hội
(CLO) Đại biểu Quốc hội chỉ rõ 2 lý do khiến người có nhu cầu nhưng không muốn vào ở nhà ở xã hội, đó là: Chất lượng nhà xây dựng "rất tệ" và diện tích căn nhà không phù hợp với nhu cầu thực tế.
Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (Dự thảo Nghị quyết).

Chất lượng 'tệ', diện tích không phù hợp khiến người dân không muốn vào ở nhà ở xã hội
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà - Đoàn Đồng Tháp góp ý vào một số nội dung tại Dự thảo Nghị quyết.
Cụ thể, về thủ tục đầu tư xây dựng, đại biểu Phạm Văn Hoà bày tỏ đồng tình theo Dự thảo Nghị quyết bởi quy định mới sẽ cắt giảm một số thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị lưu ý về vấn đề chất lượng nhà ở xã hội. Tức là cắt giảm thủ tục phải đi đôi với đảm bảo chất lượng nhà ở xã hội.
Theo đại biểu Phạm Văn Hoà cho biết, Uỷ ban Pháp luật vừa rồi có đi giám sát một số một số nơi như ở Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là những nơi mà nhà ở xã hội rất nhiều. "Người dân có nơi thiếu nhà ở xã hội, có nơi có nhà mà không có người vào ở, đặc biệt ở Hà Nội. Như vậy chúng tôi mới đặt vấn đề tại sao nhiều người đang cần nhà để ở mà khi có nhà ở xã hội thì không vào ở?", ông Hoà cho biết.
Đại biểu Phạm Văn Hoà nêu 2 lý do: Lý do thứ nhất là chất lượng nhà xây dựng "rất tệ". Thứ hai là diện tích căn nhà không phù hợp với nhu cầu thực tế. Ông Hoà nêu ví dụ, đối với hai vợ chồng có hai đứa con thì diện tích nhà cũng tương đối. Nhưng hai vợ chồng không có con hoặc là ở một mình nhưng diện tích căn nhà là như nhau. Đó là điều rất bất cập.
Theo Đại biểu Đoàn Đồng Tháp, dịch vụ của nhà ở xã hội cũng cần không thua kém dịch vụ nhà ở thương mại.
"Việc cắt giảm thủ hành chính là cần thiết cho nên đề nghị Chính phủ có quy định, cơ chế kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng công trình khi hoàn thành nhà ở xã hội, tránh chất lượng không đáp ứng yêu cầu, quy định pháp luật. Cùng với đó, cũng tránh không đáp ứng yêu cầu của người đang có nhu cầu, đừng để người có nhu cầu mà lại không muốn vào ở", ông Hoà đề nghị.

Về việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, đại biểu Phạm Văn Hoà bày tỏ đồng tình thành lập Quỹ, đây là một quỹ ngoài ngân sách. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc huy động nguồn cho Quỹ bởi việc xã hội hoá rất khó. Cho nên Dự thảo quy định lấy nguồn tiền từ bán nhà công sản để đưa vào Quỹ nhằm thực hiện các nhiệm vụ.
“Có thể nói, Quỹ phần lớn lấy từ ngân sách mà nếu như vậy thì trái với Luật Ngân sách. Luật Ngân sách quy định: Nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách. Luật đã nói rất rõ. Việc thành lập Quỹ tôi rất tán đồng nhưng cần có giải trình nó cụ thể về nội dung này. Vì tiền lấy không phải lấy từ ngân sách mà lấy tiền từ bán nhà công đưa vào Quỹ là số tiền lớn chứ không phải là nhỏ, cho nên cần phải làm rõ”, Đại biểu đề nghị.

Có đến 70% số người ở nhà ở xã hội đã bán cho người khác
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng Quỹ nhà ở quốc gia tại dự thảo Nghị quyết, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Hà Nội đề xuất đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại theo quy định phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; trường hợp, chủ đầu tư muốn lấy 20% quỹ đất này để phát triển nhà ở thương mại thì nên cho phép, đồng thời, đề nghị chủ đầu tư chuyển tiền từ 20% quỹ đất này vào Quỹ nhà ở quốc gia.
Dẫn chứng thực tế hiện rất ít chủ đầu tư mặn mà việc xây dựng nhà ở xã hội cho thuê do giá thuê thấp, tiền thuê chỉ đủ vận hành bảo trì, không đủ thu hồi vốn. Trong khi đó, các nhà ở xã hội được xây dựng để bán thì chỉ sau 5 năm (thời điểm được mua bán), đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, có đến 70% số người ở trước đây không còn ở mà bán cho người khác.
Từ đó, Đại biểu Đoàn Hà Nội cho rằng, Quỹ nhà ở quốc gia cần ưu tiên khuyến khích việc xây dựng nhà cho thuê, có như thế, người thu nhập thấp mới có thể ở được suốt đời.

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn TP. HCM cho rằng, bên cạnh việc ban hành các quy định hỗ trợ, tạo điều kiện về nguồn quỹ, thủ tục để đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, dự thảo Nghị quyết cần xem xét đến quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Việc quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải thực hiện nghĩa vụ dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội đã được quy định theo Luật Nhà ở năm 2014 và các Nghị định hướng dẫn thi hành. Quy định này tiếp tục được Luật Nhà ở năm 2023 đưa vào nội dung phải thực hiện tiếp tục trong quy định chuyển tiếp.
Tuy nhiên, bà Lệ cũng cho rằng, thực tế thời gian qua, chủ đầu tư chỉ chú trọng đến việc xây dựng, khai thác các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, mà chưa thực hiện nghĩa vụ dành quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội.
"Theo quy định, vi phạm nội dung trên chủ đầu tư sẽ bị xử lý vi phạm hành chính từ 120 – 300 triệu đồng, tuy nhiên, mức xử phạt này chưa thực sự hiệu quả", bà Lệ nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho rằng, việc không quy định thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ này của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị; cũng như không quy định thời hạn phải bàn giao cho Nhà nước trong trường hợp chủ đầu tư không đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phần quỹ đất 20% này đã dẫn đến tình trạng trì hoãn, kéo dài thời gian đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, gây lãng phí nguồn lực đất đai, làm ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung nhà ở xã hội.
“Do đó, cần xem xét bổ sung các quy định làm cơ sở để tổ chức thực hiện nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội và tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội”, bà Lệ nhấn mạnh.