Đời sống văn hóa

Hoa Lư Legacy: Hành trình phỏng dựng di sản và tri ân quê hương cố đô

Trung Nguyễn - Ảnh: NVCC 21/05/2025 17:46

(CLO) Trong bối cảnh làn sóng phục hưng văn hóa truyền thống Việt Nam đang được cộng đồng trẻ quan tâm sâu sắc, dự án Hoa Lư Legacy đã và đang góp phần tạo nên một tiếng nói riêng đầy bản sắc từ mảnh đất cố đô Ninh Bình, nơi gắn với 3 triều đại Đinh – Tiền Lê – Lý. Không chỉ là một thương hiệu, Hoa Lư Legacy còn là tâm huyết của những người con Ninh Bình với mong muốn gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa và di sản của quê hương.

Ra đời chính thức vào tháng 4/2024 dưới sự dẫn dắt của Hợp tác xã Sinh Dược, dự án Hoa Lư Legacy đã có hành trình chuẩn bị từ năm 2021, với những bước đi bài bản và đầy sáng tạo. Khởi đầu là không gian văn hóa Ba Ngàn Art tại thành phố Ninh Bình, nhóm đã phối hợp cùng nhiều nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà nghiên cứu lịch sử và mỹ thuật để tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày, giao lưu văn hóa nhằm đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với cộng đồng hiện đại.

Từ năm 2022, nhóm bắt đầu đẩy mạnh các nghiên cứu về Cổ phục Việt Nam và thử nghiệm việc đưa hình ảnh các bạn trẻ mặc cổ phục đến các di tích lịch sử, danh thắng nổi bật tại Ninh Bình. Cùng với đó là hoạt động phỏng vẽ, phục dựng hoa văn cổ trên kiến trúc đền chùa – một kho tàng tạo hình mang giá trị thẩm mỹ và lịch sử sâu sắc – để đưa vào các sản phẩm thời trang, quà tặng lưu niệm, phụ kiện cổ trang.

nah00297.jpeg
Chị Trịnh Thị Lý, Ban tổ chức Hoa Lư Legacy cho biết dự án đã có hành trình chuẩn bị từ năm 2021 với những bước đi bài bản và đầy sáng tạo.

Điểm nhấn nổi bật của năm 2024 chính là sự ra đời của thương hiệu Hoa Lư Legacy, chuyên sâu về nghiên cứu, tư vấn và phỏng dựng trang phục truyền thống Việt Nam, đặc biệt là thời Đinh – Tiền Lê. Nhóm đã phối hợp với Ban quản lý di tích Cố đô Hoa Lư để tổ chức thành công chương trình diễu hành cổ phục Hoa Lư hành – Đại Cồ Việt y quan”, góp phần tái hiện không gian lịch sử qua phục trang, thu hút sự quan tâm của công chúng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, Hoa Lư Legacy cũng là đơn vị tài trợ phục trang thời Đinh – Tiền Lê cho các nhân vật chủ chốt tại Festival Ninh Bình 2024.

Trong năm 2025, Hoa Lư Legacy tiếp tục ra mắt một loạt sản phẩm mang tính ứng dụng cao, khai thác các hoa văn đặc trưng của Cố đô Hoa Lư như: bộ trâm phượng hoàng, rồng ngậm ngọc, trâm uyên ương, hộp quà hoa văn long sàng… Những sản phẩm này không chỉ phục vụ nhu cầu thẩm mỹ mà còn truyền tải giá trị văn hóa truyền thống đến đời sống hiện đại.

Một trong những dấu ấn quan trọng nhất của dự án là việc phỏng dựng trang phục hoàng hậu thời Đinh, nằm trong bộ sưu tập lớn về trang phục triều Đinh – Tiền Lê. Dù gặp rất nhiều khó khăn do thiếu hụt sử liệu và hiện vật gốc, nhóm vẫn kiên trì dựa trên nghiên cứu các triều đại kế cận như Lý – Trần, cũng như tham khảo phục sức các nước đồng văn cùng thời (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) để suy đoán hình thức, quy chế trang phục. Tài liệu tham khảo chính gồm có: "Ngàn năm áo mũ" (Trần Quang Đức), "Trang phục người Việt xưa – nay" (Đoàn Thị Tình), "Đại Việt sử ký toàn thư", "Lịch triều hiến chương loại chí"…

Đặc biệt, quá trình nghiên cứu, phỏng dựng nhận được sự hỗ trợ quý báu từ các chuyên gia như nhà nghiên cứu lịch sử Lê Thái Dũng – tác giả nhiều đầu sách chuyên sâu, và chuyên gia phục trang Phạm Thu Hằng – người phụ trách trang phục cho các phim tài liệu lịch sử như "Đại Hành Hoàng Đế" (2023), "Phượng Khấu" (2020)… Họ đã đưa ra những gợi ý, cố vấn về quy chế trang phục, cách ứng dụng hoa văn cổ lên từng vị trí chức sắc trong triều đình xưa.

z6614619695253_25c21d35f1cb855ed543d065afae4201.jpg
Dù gặp rất nhiều khó khăn do thiếu hụt sử liệu và hiện vật gốc, nhóm vẫn kiên trì dựa trên nghiên cứu các triều đại kế cận như Lý – Trần, cũng như tham khảo phục sức các nước đồng văn cùng thời (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) để suy đoán hình thức, quy chế trang phục.

Chia sẻ về động lực thực hiện dự án, chị Trịnh Thị Lý - Ban tổ chức Dự án Hoa Lư Legacy cho biết: “Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cố đô Hoa Lư – nơi kết tinh của những giá trị lịch sử và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp – chúng tôi luôn tâm niệm phải làm điều gì đó để tri ân quê hương. Phỏng dựng cổ phục triều Đinh – Tiền Lê chính là một phần trong hành trình đó".

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, quan điểm trái chiều từ dư luận và rào cản về mặt tư liệu, dẫu vậy, Hoa Lư Legacy vẫn mạnh dạn tiến bước với tâm thế “tri ân tiền nhân”. Thành quả của họ đã nhận được sự ghi nhận tích cực từ công chúng qua các chương trình “Bộ hành tại cố đô Hoa Lư” (cuối 2024) và “Gấm vóc Hoa Lư” (4/2025).

"Sự ủng hộ của cộng đồng yêu cổ phong, các nhà nghiên cứu và quần chúng nhân dân là nguồn động viên to lớn để dự án tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa các giá trị di sản văn hóa Việt", chị Trịnh Thị Lý cho biết.

Trung Nguyễn - Ảnh: NVCC