Đời sống văn hóa

Đề xuất lập hồ sơ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt thành Diên Khánh

Thế Vũ 21/05/2025 21:42

(CLO) Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTT&DL) thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng thành Diên Khánh là di tích quốc gia đặc biệt.

Bộ VHTT&DL vừa có văn bản thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng thành Diên Khánh là Di tích quốc gia đặc biệt.

Trong văn bản này, Bộ VHTT&DL thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng thành Diên Khánh là di tích quốc gia đặc biệt.

1dien khanh1
Thành Diên Khánh. Ảnh: TL

Trước đó, vào năm 1988, thành Diên Khánh đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích thành cổ Diên Khánh, với mục đích bảo tồn và phát triển kinh tế, du lịch, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.

Thành cổ Diên Khánh nằm ở thị trấn Diên Khánh, thuộc huyện Diên Khánh của tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm thành phố Nha Trang 10km theo hướng Tây. Đây là nơi đã diễn ra rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng và từng có vị trí chiến lược đặc biệt ở khu vực Nam Trung Bộ.

Thành cổ Diên Khánh được xây dựng từ năm 1793, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh. Sau khi vua Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn bắt đầu suy yếu, Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) và võ tướng Nguyễn Văn Trương đã đem quân tiến đánh Diên Khánh.

Nhận thấy rằng đây chính là một trong những địa bàn có vị trí quan trọng chiến lược, Nguyễn Ánh đã quyết định xây dựng khu vực Diên Khánh trở thành một cứ điểm, một vành đai phòng ngự kiên cố.

Để xây dựng lên thành cổ này, Nguyễn Ánh đã sử dụng hơn 3.000 quân Bình Thuận và 100 dân Thuận Thành xây dựng, đắp thành trong thời gian một tháng mới hoàn thành.

Thành cổ Diên Khánh là một quần thể kiến trúc rất độc đáo được xây dựng theo kiểu kiến trúc - một mô hình thành quân sự rất nổi bật ở các nước Tây Âu trong thế kỷ XVII - XVIII.

Phía trên cổng thành xây lầu tứ giác với mỗi cạnh 3,3m, thành có bốn cửa ở bốn hướng. Trên cùng là tầng lầu nhỏ có mái uốn cong lợp ngói âm dương. Hai mặt cổng thành được xây lan can cao 0,85 m. Nối liền với bốn cổng là hệ thống tường thành đắp bằng đất cao chừng 3m. Mặt ngoài tường thành có độ dốc lớn, mặt trong thoải hơn và có bậc cấp dẫn lên ở một số đoạn.

Trên tường thành xưa được trồng tre gai ken dày và các loại cây có gai khác. Bên ngoài thành là hào nước sâu khoảng 3-4m, có đoạn sâu tới 5m. Bề rộng mặt hào không đều nhau, tại các góc thành thường hẹp hơn và rộng nhất là trước các cổng thành.

Thành cổ Diên Khánh còn là cơ quan hành chính của phủ Diên Khánh thời Nguyễn. Trong thành thời đó có cột cờ, hoàng cung, dinh Tuần vũ, dinh Án sát, dinh Lãnh binh, dinh quan Tham tri, nhà kho và nhà lao…

Đây cũng từng là trung tâm hành chính - quân sự quan trọng của khu vực Nam Trung Bộ. Sau năm 1975, thành Diên Khánh trở thành trụ sở của các cơ quan hành chính huyện Diên Khánh.

Thế Vũ