Cải cách thể chế, xóa bỏ tư duy 'xin – cho' để phát triển kinh tế tư nhân
(NB&CL) Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ là cú huých quan trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Theo Đại biểu Quốc hội – GS.TS. Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội), Nghị quyết ra đời nhằm huy động hết tiềm năng, lợi thế của kinh tế tư nhân, để tạo ra sự phát triển vươn mình của đất nước.
+ Thưa Đại biểu Quốc hội, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị được ví như “đường ray” khuôn khổ pháp lý vô cùng quan trọng về định hướng và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển toàn diện. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?
- ĐBQH Hoàng Văn Cường: Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 80% lực lượng lao động và chiếm phần lớn số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam. Điều đó cho thấy đây là tiềm năng phát triển rất lớn cần khai thác và huy động hiệu quả hơn nữa.
Đặc biệt, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo, của khoa học công nghệ, khu vực kinh tế tư nhân có ưu thế vượt trội nhờ sự linh hoạt, khả năng chấp nhận rủi ro và sẵn sàng tiếp cận cái mới. Đây sẽ là lực lượng tiên phong, đi đầu trong ứng dụng các thành tựu mới của khoa học công nghệ vào sản xuất và kinh doanh.

Nghị quyết 68 đã khẳng định khu vực tư nhân là lực lượng nòng cốt trong xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng… nhằm huy động hết tiềm năng, lợi thế của kinh tế tư nhân.
+ Theo Giáo sư, để hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 68, chúng ta cần có những hành động cụ thể như thế nào khi triển khai trong thực tiễn?
- ĐBQH Hoàng Văn Cường: Theo tôi, trước tiên, cần hoàn thiện khung pháp lý để tạo hành lang thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu rất rõ, không chỉ tăng số lượng doanh nghiệp mà còn phải có doanh nghiệp lớn, có tầm cỡ quốc tế, những doanh nghiệp có khả năng quản trị toàn cầu và trở thành trụ cột của ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 cũng chỉ ra các giải pháp cần phải hành động, cải cách thể chế mạnh mẽ, xóa bỏ tư duy “xin – cho”, chuyển từ cơ chế quản lý sang cơ chế kiến tạo phát triển.
Ngoài ra, Nhà nước cần đóng vai trò tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Cơ quan quản lý cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt xem doanh nghiệp cần gì và đáp ứng, giải quyết những yêu cầu đó.
Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn và chính sách hỗ trợ. Nhận thức rõ thực trạng này, Nghị quyết 68 đã xác định rõ cần có các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm doanh nghiệp này phát triển.
Ví dụ, các khu công nghiệp tại các địa phương phải dành ít nhất 30% quỹ đất để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, tùy vào điều kiện từng địa phương, còn có thể có các hình thức hỗ trợ cụ thể hơn như quỹ bảo lãnh tín dụng, vốn vay ưu đãi, hay chính sách thuế phù hợp để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đặt vấn đề về cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý thuế.
Một điểm quan trọng khác được đề cập trong Nghị quyết là về cơ chế pháp lý. Cụ thể, cần rà soát lại hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo nguyên tắc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Việc đó, sẽ thúc đẩy các doanh nhân yên tâm, mạnh dạn dấn thân vào đầu tư kinh doanh, có thể thất bại thì vẫn có cơ hội làm lại, thay vì lo ngại các rủi ro pháp lý không cần thiết.
Đây là động lực rất mạnh để cho doanh nghiệp, doanh nhân hăng hái tiến lên. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp, doanh nhân cũng nhìn thấy cơ hội, khung khổ pháp lý rất lớn mở ra cũng như kỳ vọng đặt ra thì bản thân doanh nghiệp cũng phải tự mình vươn lên.
Chúng ta kỳ vọng sẽ tạo ra những “con chim đầu đàn”, từ đó sẽ kéo được các doanh nghiệp khác đi theo, tạo ra liên kết các doanh nghiệp tư nhân và tạo nên sức mạnh tổng thể.
+ Quan điểm trong Nghị quyết lần này là đổi mới trong xử lý sai phạm, ưu tiên áp dụng xử lý hành chính, dân sự và kinh tế thay vì hình sự. Vậy theo Đại biểu, điều này tạo điều kiện như thế nào cho doanh nghiệp tư nhân phát triển?
- ĐBQH Hoàng Văn Cường: Sứ mệnh của doanh nhân là làm ra tiền, do đó họ sẽ tìm mọi phương thức để thực hiện sứ mệnh này. Đương nhiên, trong hành động như vậy sẽ có rủi ro, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn, có thể là rủi ro về kinh tế hoặc pháp lý.
Vì vậy, khi vướng phải sai phạm, phải nhìn vào động cơ của doanh nghiệp, doanh nhân. Nếu chỉ đơn thuần muốn tạo ra tiềm lực kinh tế, không vi phạm các quy định của pháp luật, không đi ngược với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước thì ưu tiên giải quyết sai phạm của họ bằng công cụ kinh tế để họ khắc phục lại hậu quả.
Áp dụng biện pháp kinh tế trong trường hợp này có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục thiệt hại.
Tư tưởng ưu tiên dùng biện pháp hành chính, dân sự, kinh tế thay thế hình sự mà Bộ Chính trị đề ra là có cơ sở, không phải nương nhẹ cho khu vực tư nhân. Những gì nằm trong ranh giới thì chúng ta phải lựa chọn con đường nào tốt hơn.
+ Trân trọng cảm ơn ông!