Công tác hội

Xây thành lũy vững chắc chống lại bóng tối của tin giả

Sông Mây (Ghi) 22/05/2025 14:00

(NB&CL) “Đấu tranh chống tin giả trên không gian mạng không chỉ là “chống cái sai” mà còn “thắp lên niềm tin vào cái đúng” – đó là chia sẻ của nhà báo Nguyễn Dung – Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh tại cuộc tọa đàm “Người làm báo Quảng Ninh học tập và làm theo phong cách làm báo Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên mới” diễn ra tuần qua. Báo Nhà báo và Công luận xin giới thiệu cùng bạn đọc tham luận của nhà báo Nguyễn Dung tại cuộc toạ đàm này.

Nhằm chủ động xác lập trận địa truyền thông chính thống, kiên định định hướng tư tưởng, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng thành công một mô hình “tòa soạn hội tụ đa phương tiện” hoạt động đồng bộ trên 7 nền tảng: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, App OTT Quảng Ninh Media, cổng thông tin tổng hợp và mạng xã hội. Đây là cơ sở vững chắc để khẳng định vai trò “trung tâm phản bác thông tin sai lệch” của tỉnh.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, Trung tâm đã triển khai hơn 30 chiến dịch truyền thông trọng điểm liên quan đến đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xử lý các “điểm nóng” dư luận như BOT, đất đai, xử lý cán bộ, tin giả trong dịch bệnh… với trên 40.000 tác phẩm, trong đó có hàng nghìn tác phẩm phản ánh, phản biện, đấu tranh trực diện với thông tin sai lệch.

Đặc biệt, nhằm đấu tranh mạnh mẽ, Trung tâm duy trì các chuyên mục chuyên sâu như: “Phòng chống tham nhũng tiêu cực”,“Giám đốc sở, ban, ngành với cử tri Quảng Ninh” (Báo điện tử Quảng Ninh) và các loạt bài bình luận nhận diện, cảnh báo, vạch trần thông tin giả mạo, xuyên tạc. Điển hình, khi tỉnh thực hiện lộ trình đóng cửa các mỏ than lộ thiên để bảo vệ môi trường, một số đối tượng đã tung tin thất thiệt “tỉnh đang từ bỏ thế mạnh kinh tế”, “hàng chục nghìn lao động sẽ mất việc làm”… Trung tâm Truyền thông tỉnh đã thực hiện hàng loạt tuyến bài phản bác, cung cấp dữ liệu rõ ràng về kế hoạch chuyển đổi kinh tế của tỉnh, trong đó nhấn mạnh việc đào tạo lại lao động, chuyển đổi nghề nghiệp cho công nhân ngành Than. Các bài viết có tính phản biện cao, số liệu cụ thể đã góp phần dập tắt luồng thông tin sai lệch, giúp nhân dân hiểu rõ chủ trương đúng đắn của tỉnh.

anh1tingia.jpg
Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh với chuyên đề sâu về Nghị quyết 18: Khẩn trương, quyết liệt thực hiện tinh gọn bộ máy, nhằm định hướng dư luận xã hội.

Nhằm định hình năng lực phản ứng nhanh, dẫn dắt dư luận xã hội, nhờ hệ sinh thái số mạnh mẽ, cuối năm 2024, khi hãng tin Reuters đăng tải bài viết với nội dung hàm ý UNESCO có thể sẽ kiểm tra để rút danh hiệu Di sản thế giới của Vịnh Hạ Long, Trung tâm phối hợp với các cơ quan chức năng để bác bỏ thông tin sai lệch. Hàng chục bài báo chính thống đã lên tiếng khẳng định nỗ lực bảo tồn di sản của tỉnh, dẫn ý kiến từ Cục Di sản Văn hóa, các chuyên gia UNESCO. Nhờ sự vào cuộc kịp thời, thông tin giả bị đẩy lùi, loại bỏ nguy cơ có thể dẫn đến khủng hoảng trên truyền thông về Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long trên không gian mạng. Hay như “Quảng Ninh bác bỏ tin giả về sáp nhập xã, phường”… Là phản ứng chính thống, kịp thời trước tin đồn thất thiệt về việc “sáp nhập các xã vùng cao vào địa bàn thị xã”, gây hoang mang dư luận. Bài viết trích nguyên văn ý kiến lãnh đạo Sở Nội vụ, UBND tỉnh, dẫn đầy đủ văn bản hành chính, truyền đi thông điệp rõ ràng và chính thức, qua đó chặn đứng tin đồn ngay từ gốc.

Cách lựa chọn tiêu đề trực diện, ngắn gọn, thể hiện rõ lập trường của cơ quan báo chí chính thống, giúp người dân nhận diện ngay đâu là thông tin thật - đâu là xuyên tạc. Trung tâm đã không chỉ “phản bác”, mà còn định hướng tích cực, không chỉ “chống cái sai” mà còn “thắp lên niềm tin vào cái đúng”. Đây là điểm tựa để báo chí Quảng Ninh giúp nhân dân giữ vững niềm tin vào điều đúng trong thời đại nhiễu loạn thông tin.

Bên cạnh các tuyến bài đấu tranh trực diện, Trung tâm còn triển khai hàng loạt chiến dịch truyền thông, chuyên mục sâu có sức lan tỏa mạnh mẽ. Tiêu biểu các chuyên mục: “Quảng Ninh cất cánh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Tinh gọn tổ chức bộ máy” thực hiện đầu năm 2025 trên tất cả các hạ tầng của Trung tâm. Cùng với đó là chiến dịch truyền thông: “Đưa Yên Tử trở thành Di sản thế giới”, “30 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh di sản thiên nhiên thế giới”, “Đánh thức tiềm năng du lịch vùng vịnh Bái Tử Long”, “Phát triển kinh tế di sản Quảng Ninh”… được chỉ đạo chặt chẽ về nội dung, ưu tiên về nguồn lực để sản xuất, được lan tỏa với nhiều sự tự hào về quê hương, đất nước…

Trước bối cảnh Trung tâm Truyền thông tỉnh chuẩn bị chuyển về trụ sở mới với điều kiện hạ tầng hiện đại, không gian làm việc tập trung, hệ thống trang thiết bị đồng bộ, cần thiết lập bước chuyển về chất trong hoạt động truyền thông số, nhất là trên mặt trận đấu tranh với tin giả với những giải pháp hiệu quả hơn nữa.

anh2.jpg
Các phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh tác nghiệp trên mọi mặt trận.

Theo đó, trước hết là việc tận dụng hệ thống hạ tầng công nghệ tại trụ sở mới để triển khai trung tâm điều hành truyền thông số - một “bộ não số” tích hợp các công cụ hiện đại phục vụ giám sát, phân tích và phản ứng nhanh với thông tin sai lệch. Đồng thời, đầu tư hệ thống lưu trữ đám mây dung lượng lớn để phục vụ sản xuất đa nền tảng (OTT, mạng xã hội, truyền hình, podcast); triển khai nền tảng CMS tích hợp AI hỗ trợ gợi ý nội dung, tối ưu hóa từ khóa, kiểm tra độ trùng lặp thông tin…

Thêm nữa là hình thành Tổ “phản ứng nhanh trên môi trường số”, hoạt động 24/7, có đủ công cụ và thẩm quyền ban đầu để đăng tải tin phản hồi ngay khi xuất hiện thông tin thất thiệt. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác liên ngành, thiết lập cơ chế phối hợp thường trực với các sở, ngành của tỉnh để làm rõ, xác minh và phản bác kịp thời các nguồn tin sai sự thật.

Cùng với đó, xây dựng mạng lưới liên lạc với các Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, thị xã, thành phố, qua đó hình thành cơ chế “điểm nóng báo về - trung tâm xác minh, truyền thông phản bác”.

Bên cạnh đó, có thể phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức định kỳ các diễn đàn Giữ vững trận địa thông tin”, giúp nâng cao nhận thức người làm báo và các tầng lớp nhân dân. Tập trung đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ báo chí theo hướng làm chủ công cụ, kiểm soát nội dung, làm chủ dư luận. Đồng thời, phát huy lợi thế truyền hình địa phương như một cánh tay nối dài đưa thông tin chính thống vào từng gia đình.

Việc truyền thông bằng ngôn ngữ, giọng đọc, hình ảnh người dân địa phương là vũ khí mềm hiệu quả nhất chống lại những tin đồn thất thiệt do cảm xúc dẫn dắt. Ngoài ra, thiết lập nền tảng tương tác chính thức để tiếp nhận phản ánh từ người dân, qua đó phát hiện sớm các nguồn tin giả đang lan tỏa. Có thể phát triển ứng dụng nội bộ trên nền tảng di động hoặc tích hợp ngay trên app Quảng Ninh Media, hoặc liên kết với Vneid cho phép người dân gửi phản ánh tin lạ, tin nghi ngờ, tin họ cần kiểm chứng… Đây là cách xây dựng cơ chế “truyền thông hai chiều” đúng nghĩa: Vừa định hướng vừa lắng nghe, vừa phản bác vừa giải thích.

Có thể nói, báo chí không thể một mình dập tắt mọi tin giả, nhưng báo chí chính là nơi người dân tìm đến để phân định đúng sai và là bức tường thành cuối cùng bảo vệ sự thật. Việc đấu tranh với thông tin sai lệch, tin giả trên không gian mạng không thể chỉ dựa vào nhiệt huyết và phản ứng đơn lẻ. Cần một hệ sinh thái truyền thông chủ động, bài bản và tích hợp đồng bộ giữa con người, công nghệ, tổ chức và phối hợp. Khi ngòi bút có dữ liệu làm nền, có công nghệ làm cánh tay, có tổ chức làm hậu thuẫn và có công chúng làm người đồng hành, thì dù trên không gian mạng hay bất kỳ nền tảng nào khác, báo chí vẫn sẽ là thành lũy vững chắc chống lại bóng tối của tin giả và sai lệch…

Sông Mây (Ghi)