Tiêu điểm Quốc tế

Thoả thuận lịch sử về ứng phó với đại dịch và sự trở lại đáng quan ngại của Covid-19

Nguyễn Hà 22/05/2025 10:19

(NB&CL) Sau hơn 3 năm đàm phán với nhiều tranh cãi, rốt cuộc, các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã bỏ phiếu ủng hộ cho một thỏa thuận toàn cầu phòng ngừa, ứng phó với đại dịch. Điều trùng lắp không ai mong muốn là bản thoả thuận đạt được sự thống nhất đúng vào thời điểm dịch COVID-19 đang có sự trở lại đáng quan ngại.

3 năm để có được lá phiếu ủng hộ từ 124 quốc gia

Sáng kiến xây dựng một hiệp ước toàn cầu về ứng phó đại dịch được đưa ra từ năm 2021 đúng vào thời điểm dịch COVID-19 đang khiến hàng triệu người trên thế giới thiệt mạng đồng thời đẩy hệ thống y tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Thời điểm đó, những bài học đắt giá được rút ra từ việc ứng phó với đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều quốc gia buộc phải nghĩ về sự cần thiết phải có hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý quốc tế để ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine, thuốc và phương pháp điều trị, trang thiết bị y tế, đồng thời giúp các nước sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó các đại dịch trong tương lai.

anhdiemnhan.jpg
Hình ảnh do Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy hình thái cấu tạo của virus corona chủng mới COVID-19 gây dịch viêm đường hô hấp cấp. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Tuy nhiên, do những bất đồng liên quan đến vấn đề lợi ích khi một số quốc gia lo ngại rằng việc tham gia một hiệp ước quốc tế có thể làm suy giảm quyền tự chủ y tế, đặc biệt là trong việc kiểm soát vaccine và thuốc men; bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển về vấn đề chia sẻ dữ liệu và phân phối vaccine; việc các công ty dược lớn thường không sẵn sàng chia sẻ bằng sáng chế hoặc công nghệ sản xuất vaccine do lo ngại mất lợi nhuận khổng lồ đã khiến tiến trình đàm phán kéo dài. Đã có thời điểm, trước sự bế tắc của bản thoả thuận và sự xuất hiện đáng quan ngại của nhiều dịch bệnh, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã từng khẳng định, các nước phải lựa chọn giữa bây giờ hoặc không bao giờ bởi nguy cơ bùng phát đại dịch tiếp theo luôn thường trực, và rằng chỉ có đoàn kết và sự chuẩn bị mới là chìa khóa để bảo vệ sự sống, vì tương lai an toàn của toàn cầu.

Dù mất tới 3 năm, nhưng rốt cuộc, các nước thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới cũng tiến dần tới bản hiệp ước. “Thoả thuận này là một chiến thắng của y tế công, của khoa học và của hành động đa phương. Nó sẽ giúp chúng ta có thể cùng nhau bảo vệ thế giới tốt hơn trước các mối đe dọa đại dịch trong tương lai” - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.

Làn sóng COVID-19 mới lan rộng - phép thử của bản thoả thuận

Đúng như quan ngại của giới chuyên gia, COVID-19 đang trở lại một cách đáng quan ngại tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á, trong đó đáng quan ngại nhất là Singapore, Trung Quốc và Thái Lan với sự gia tăng mạnh số ca mắc và ca bệnh nặng.

Tại Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh nước này ghi nhận tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 đến khám và cấp cứu đã tăng hơn 16% trong vòng 1 tháng. Tại Singapore, số ca mắc COVID-19 phải nhập viện tăng khoảng 30% trong vòng 1 tuần. Đáng quan ngại nhất là Thái Lan với số ca mắc có xu hướng tăng rõ rệt lên 33.000 ca chỉ trong 1 tuần qua. Trong số các ca nhiễm, 1.918 trường hợp phải nhập viện, 2 trường hợp được báo cáo đã tử vong.

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng, các nước tập trung tăng cường biện pháp phòng chống dịch trong đó có việc khuyến cáo người dân tiêm vaccine nhắc lại để ngăn ngừa các đợt bùng phát lớn hơn. Sự quay trở lại của dịch COVID-19 có thể nói đang là phép thử với WHO nói riêng và bản hiệp ước lịch sử ứng phó với đại dịch vừa được thông qua.

Nguyễn Hà