Nghề báo

Bạc Liêu: Ra mắt quyển 'Lịch sử Báo chí Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 1930 - 1925'

P.Anh 22/05/2025 12:30

(CLO) Hòa chung không khí sôi nổi hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), tỉnh Bạc Liêu đã chính thức ra mắt quyển "Lịch sử báo chí Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 1930 - 1925".

Đây là một công trình có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ điểm lại hành trình đáng tự hào của nền báo chí cách mạng tại địa phương mà còn tri ân những cống hiến to lớn của các thế hệ người làm báo tỉnh Bạc Liêu.

bll.jpeg
Đại biểu trao đổi nội dung cuốn Lịch sử Báo chí Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Báo Bạc Liêu)

Việc biên soạn quyển lịch sử quy mô trên 320 trang này là chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng. Tác phẩm không chỉ là tài liệu quý giá để lưu trữ mà còn là nguồn tư liệu quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi đắp truyền thống vẻ vang cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Nhân dịp này, Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tổ chức tọa đàm "Báo chí Cách mạng Bạc Liêu - Những chặng đường lịch sử vẻ vang". Buổi tọa đàm là dịp để các đại biểu cùng nhìn lại và ôn lại những truyền thống hào hùng, những đóng góp không ngừng nghỉ của báo chí cách mạng tỉnh Bạc Liêu.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Duy Hoàng - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện, Toàn Đảng, toàn dân vừa tổ chức trọng đại và thiêng liêng lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác (1890 - 2025), để tỏ lòng ghi nhớ công ơn trời biển của Người - vị lãnh tụ thiên tài, danh nhân văn hóa kiệt xuất, nhà báo cách mạng vĩ đại của dân tộc - người đã đặt nền móng và dìu dắt một nền Báo chí cách mạng còn non trẻ - khởi đầu là tờ báo Thanh Niên, số báo đầu tiên ra đời vào ngày 21/6/1925.

Ông Nguyễn Duy Hoàng khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử 100 năm, Báo chí cách mạng, trong đó có Báo chí cách mạng Bạc Liêu, luôn nhận rõ vai trò, trách nhiệm là 'người lính đi đầu' cùng các binh chủng khác của Đảng, đã góp phần to lớn cho cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau hồi tưởng về những chặng đường lịch sử đầy gian khó nhưng cũng rất vẻ vang của báo chí cách mạng Bạc Liêu. Dù ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, những người làm báo Bạc Liêu đều thể hiện chung một chí hướng cao cả: phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Buổi tọa đàm cũng là dịp để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc, tôn vinh những nhà báo đã không quản hiểm nguy, hy sinh xương máu nơi tuyến đầu khói lửa thời chiến, cùng với những nhà báo có những tác phẩm chất lượng, có nhiều đóng góp thiết thực, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của nền báo chí cách mạng tỉnh nhà.

P.Anh