Tổng Bí thư Tô Lâm: Công tác nội chính phải hướng tới giữ vững ổn định để phát triển đất nước
(CLO) Chiều 22/5, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương nhằm đánh giá kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay và định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Cùng dự buổi làm việc có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; các Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an. Tham dự còn có các Bí thư Trung ương Đảng: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung, Trưởng Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Ban Nội chính Trung ương từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII. Đồng thời, Tổng Bí thư đề nghị Ban nghiêm túc phân tích nguyên nhân tồn tại, hạn chế như đã thẳng thắn nhìn nhận và sớm có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Cơ bản nhất trí với phương hướng nhiệm vụ công tác thời gian tới do Ban Nội chính Trung ương đề xuất, Tổng Bí thư nhấn mạnh ba định hướng lớn và sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai từ nay đến Đại hội XIV của Đảng.
Theo Tổng Bí thư, công tác nội chính phải hướng đến mục tiêu giữ vững ổn định để phát triển đất nước. Ban Nội chính Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, nhất là trong khối nội chính, để nắm chắc, phân tích, dự báo tình hình, tham mưu chiến lược với Đảng trong xử lý hiệu quả các vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định, bảo đảm luôn ở thế chủ động trong mọi tình huống.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp phải bảo đảm vừa chống được tiêu cực, vừa tạo thuận lợi để phát triển kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Tổng Bí thư lưu ý, trong xử lý sai phạm cần ưu tiên các biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính trước, bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, bảo vệ những người đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Đồng thời, cần tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí trên toàn xã hội, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, phải làm ngay để thúc đẩy tăng trưởng và tiết kiệm nguồn lực. Việc hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống lãng phí cũng phải được thực hiện nhanh chóng, đồng bộ.

Tổng Bí thư khẳng định công tác nội chính phải gắn với nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công việc thường xuyên, lâu dài, không làm theo phong trào, phải kiên quyết thực hiện "không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Trong sáu nhóm nhiệm vụ trọng tâm, Tổng Bí thư đề nghị Ban Nội chính Trung ương chủ động nghiên cứu, tham mưu các giải pháp lớn về nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu mới của việc tinh gọn tổ chức bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính. Sau khi sắp xếp tổ chức, cần theo dõi, đánh giá kịp thời để bảo đảm hệ thống tư pháp hoạt động hiệu quả, thông suốt.
Tổng Bí thư yêu cầu đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo; xử lý triệt để các kết luận, kiến nghị kiểm toán, thanh tra, điều tra, xét xử còn tồn đọng trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Đồng thời, cần rà soát, xử lý hiệu quả các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí tài sản công trong và sau khi sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính.
Tổng Bí thư cũng giao Ban Nội chính Trung ương tham mưu triển khai Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, bảo đảm chất lượng công tác cán bộ, không để lọt vào cấp ủy nhiệm kỳ mới những cán bộ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực.
Về nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Tổng Bí thư đề nghị Ban Nội chính Trung ương phối hợp các cơ quan chức năng theo dõi, nắm chắc tình hình, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp, không để phát sinh điểm nóng, không để bị động bất ngờ. Cùng với đó là công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nguyện vọng chính đáng của người dân ngay từ cơ sở.

Ban Nội chính Trung ương cũng cần chủ động tham mưu công tác xây dựng pháp luật theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Cần đôn đốc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay; tổng kết toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng từ chi bộ, cơ sở đảng đến cấp cao nhất, tạo sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng trước thềm Đại hội XIV.
Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Ban Nội chính Trung ương trong sạch, vững mạnh, thực sự là “tai mắt”, “bộ óc” của Đảng trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp; là cơ quan “liêm chính của liêm chính”. Cán bộ nội chính phải “chắc - sắc - đắc”; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thời gian. Cùng với đó là hoàn thiện quy chế, quy trình làm việc trên môi trường số.
Đối với các kiến nghị, Tổng Bí thư giao Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết theo quy định.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp đạt nhiều kết quả nổi bật. Ban đã chủ trì, phối hợp nghiên cứu, xây dựng 32 đề án lớn, từ đó tham mưu Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định quan trọng, có quan điểm đổi mới, đột phá.
Ban cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của hai Ban Chỉ đạo Trung ương, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ngoài ra, Ban phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự; đôn đốc, giám sát thực hiện chủ trương, chính sách nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp; thẩm định các đề án luật, dự án luật và công tác cán bộ, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy định.