Tin tức

Tăng cường công tác lấy ý kiến nhân dân, bảo đảm 'ý Đảng, lòng dân' trong sửa đổi Hiến pháp

Hoàng Minh 22/05/2025 22:07

(CLO) Chiều 22/5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ủy ban.

Tham dự phiên họp có Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, cùng các Ủy viên thường trực, Ủy viên Ủy ban và đại diện một số cơ quan hữu quan.

chu-tich-quoc-hoi.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 phát biểu. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, sau hơn nửa tháng triển khai công tác lấy ý kiến nhân dân, tiến độ và định hướng thực hiện đều bám sát kế hoạch, bước đầu nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu Quốc hội và sự ủng hộ mạnh mẽ trong nhân dân.

Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến 16 giờ ngày 22/5/2025, đã có 10.760.937 người dân tham gia đóng góp ý kiến, với tổng cộng 70.946.231 lượt ý kiến. Trong đó, có 70.913.737 ý kiến tán thành, chiếm 99,95%; chỉ có 32.494 ý kiến không tán thành, tương ứng 0,05%.

Ghi nhận nỗ lực của các cơ quan, địa phương và thành viên Ủy ban, Chủ tịch Quốc hội biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, đồng thời nhấn mạnh vai trò nòng cốt của công tác tổ chức, tuyên truyền trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã trình bày báo cáo tổng hợp các vấn đề nổi lên qua ý kiến của đại biểu Quốc hội và tình hình lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Các đại biểu tập trung thảo luận về phương án tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, đặc biệt là đối với những nội dung được quan tâm trong quá trình lấy ý kiến. Các ý kiến thống nhất cho rằng cần tiếp thu đầy đủ ý kiến nhân dân, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng một cách khoa học, chặt chẽ, bảo đảm tính khái quát, súc tích, không trùng lặp; thể hiện đúng vị trí, vai trò của Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu các cơ quan, thành viên Ủy ban theo lĩnh vực phụ trách tiếp tục triển khai hiệu quả công tác lấy ý kiến nhân dân và các cấp, ngành; bảo đảm việc tổ chức lấy ý kiến được thực hiện chu đáo, hiệu quả, thiết thực. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và nội dung sửa đổi Hiến pháp, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất trong xã hội.

sua-doi-hien-phap.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc, chống phá liên quan đến sửa đổi Hiến pháp; đồng thời đề nghị các cơ quan được giao nhiệm vụ cần khẩn trương, nghiêm túc tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân, bảo đảm khách quan, đầy đủ và kịp thời gửi báo cáo kết quả về Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Trên cơ sở kết quả phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp chủ động tham mưu xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để hoàn thiện nội dung theo ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến nhân dân và các cấp, ngành. Tinh thần chung là tiếp thu tối đa, giải trình rõ ràng, đầy đủ thông tin, thể hiện đúng “ý Đảng, lòng dân”, trình Quốc hội xem xét, thông qua đúng tiến độ.

Hoàng Minh