Thế giới 24h

Viện trợ trở lại Gaza sau nhiều tháng, nhưng 'không đủ để cứu người'

Hà Trang (theo CNN) 23/05/2025 06:24

(CLO) Một lượng nhỏ thực phẩm viện trợ đã đến Gaza lần đầu tiên kể từ đầu tháng 3 vào thứ Tư, nhưng Liên hợp quốc cảnh báo điều này "không đủ" để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng nghiêm trọng.

Các quan chức LHQ cho biết họ hy vọng sẽ có thêm hàng viện trợ được chuyển đến vào thứ Năm. Các tổ chức nhân đạo cảnh báo rằng nếu không có viện trợ quy mô lớn, phần lớn người dân Gaza sẽ đối mặt với nạn đói.

Screenshot 2025-05-13 223702
Gaza đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng nghiêm trọng. (Ảnh: WHO)

Ông Tom Fletcher, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách nhân đạo, viết trên X hôm thứ Năm: "Hôm nay là một ngày quan trọng. Những xe tải chở hàng viện trợ cuối cùng cũng đã lăn bánh trở lại".

Cạn kiệt lương thực và nạn cướp bóc

Hơn 90 xe tải chở bột mì, thực phẩm bổ sung cho trẻ em và các nhu yếu phẩm khác đã bắt đầu phân phát hàng tại miền nam Gaza, theo người đứng đầu hiệp hội vận tải Gaza. Một phần bột mì đã được phân phối cho các tiệm bánh để bắt đầu hoạt động ngay lập tức.

Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn đã xảy ra: hai xe tải bị cướp bởi những người dân tuyệt vọng. Ông Shuheiber hy vọng số lượng xe tương tự sẽ tiếp tục vào thứ Năm.

Văn phòng Điều phối Nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA) cho biết rằng năm bếp ăn cộng đồng đã mở lại ở Khan Younis và Gaza, nhưng năm bếp khác phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.

Theo cơ quan Israel COGAT, số xe viện trợ vào Gaza lần lượt là 5 xe hôm thứ Hai, 93 xe hôm thứ Ba và 100 xe hôm thứ Tư. Dù vậy, bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF, cho biết lượng viện trợ vẫn "chưa đủ và chưa đến được tay những người cần nhất". "Chúng tôi đang cạn kiệt nguồn lực bên trong Gaza và thời gian cũng không còn nhiều", bà cảnh báo.

Xung đột về tuyến đường di chuyển cũng khiến viện trợ bị chậm trễ. Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric cho biết Israel chỉ cho phép các nhóm cứu trợ đi qua khu vực đông đúc, không an toàn và dễ bị cướp bóc.

OCHA cũng cho biết các mặt hàng thiết yếu như sản phẩm vệ sinh và nhiên liệu vẫn chưa được Israel cho phép vận chuyển vào.

Israel đã chấp thuận một kế hoạch do Đại sứ Hoa Kỳ Mike Huckabee thúc đẩy, theo đó Quỹ Nhân đạo Gaza sẽ chịu trách nhiệm phân phối hàng viện trợ. Tuy nhiên, LHQ đánh giá kế hoạch này là không đủ hiệu quả.

Người dân Gaza bị dồn ép

Trong khi viện trợ chỉ mới nhỏ giọt, quân đội Israel tiếp tục mở rộng chiến dịch quân sự, khiến người dân Gaza bị dồn vào các khu vực ngày càng nhỏ hơn. OCHA cho biết 80% Gaza đang nằm trong vùng sơ tán hoặc bị quân sự hóa, dẫn đến tình trạng quá tải nơi trú ẩn và thiếu không gian sinh sống.

Các bệnh viện cũng đang trong tình trạng báo động. OCHA cho biết bệnh viện Al Awda ở phía bắc – cơ sở duy nhất còn hoạt động một phần – đã bị tấn công. Bệnh viện Kamal Adwan đã ngừng hoạt động, trong khi Bệnh viện Indonesia phải đóng cửa, khiến hơn 400.000 người mất quyền tiếp cận dịch vụ y tế, theo Bộ Y tế Palestine.

Tại miền nam, Bệnh viện châu Âu vẫn đóng cửa sau các cuộc không kích của Israel vào tuần trước. Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cho biết họ đã nhận được một xe tải vật tư y tế cho bệnh viện dã chiến ở Rafah, nhưng việc phục hồi sau 10 tuần thiếu hụt sẽ cần thời gian.

Một vấn đề nghiêm trọng khác là nước. Nhà máy khử muối lớn nhất ở phía bắc Gaza nằm trong khu vực sơ tán. Nhiều người đã chuyển đến Al-Mawasi, khu vực ven biển phía nam, nơi không có hệ thống cấp nước và phụ thuộc hoàn toàn vào xe chở nước.

Người phát ngôn thành phố Gaza cho biết: “Nguồn cung cấp nhiên liệu bị cắt khiến khủng hoảng nước trở nên trầm trọng hơn, nhất là khi di dân tăng cao và nhiệt độ đang lên”.

Hà Trang (theo CNN)