Thế giới 24h

Đức lần đầu đưa quân ra nước ngoài kể từ Thế chiến II

Cao Phong (theo The Guardian, DW) 23/05/2025 12:20

(CLO) Hôm 22/5, Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã đến thăm Lithuania để đánh dấu sự kiện lịch sử: triển khai ra nước ngoài lữ đoàn bọc thép thường trực đầu tiên của Đức kể từ Thế chiến II.

Lễ ra mắt lữ đoàn 45 bọc thép (Panzerbrigade 45) này, gồm 4.800 binh sĩ và 200 nhân viên dân sự, là một phần trong nỗ lực tăng cường phòng thủ của NATO tại sườn phía Đông, nhằm đối phó với mối đe dọa kể từ sau cuộc xung đột Nga - Ukraine vào năm 2022.

Lữ đoàn dự kiến đạt khả năng tác chiến đầy đủ vào năm 2027, đóng vai trò bảo vệ Lithuania và các nước Baltic khác như Estonia và Latvia – những quốc gia từng thuộc Liên Xô, hiện là thành viên NATO và EU.

Ông Friedrich Merz trong ngày đọc tuyên thệ nhậm chức. Ảnh chụp màn hình.
Ông Friedrich Merz trong ngày đọc tuyên thệ nhậm chức. Ảnh chụp màn hình.

Tại buổi họp báo ở Vilnius, Thủ tướng Merz nhấn mạnh: “Cùng với các đồng minh, chúng tôi quyết tâm bảo vệ lãnh thổ NATO trước bất kỳ hành động xâm lược nào. An ninh của các đồng minh Baltic cũng chính là an ninh của chúng tôi”.

Ông Merz, vị thủ tướng đầu tiên của nước Đức thống nhất từng phục vụ trong quân đội (Bundeswehr), khẳng định: “Chúng tôi ủng hộ Ukraine, nhưng cũng đoàn kết với toàn châu Âu và phối hợp chặt chẽ với Mỹ khi có thể”.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO tại Den Haag vào tháng tới, ông kêu gọi tăng cường năng lực quốc phòng châu Âu và thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng sản xuất nhiều hơn cho khu vực.

Tổng thống Lithuania Nausėda cảm ơn Đức vì sự hỗ trợ, nhấn mạnh lữ đoàn này được thành lập theo yêu cầu của Lithuania, quốc gia 2,9 triệu dân giáp với vùng Kaliningrad của Nga và Belarus .

Ông nói: “Chúng tôi hiểu mối đe dọa và tin rằng, cùng các đồng minh, chúng tôi có thể đối mặt với nó”. Lithuania dự kiến tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP vào năm 2026 để đáp ứng mục tiêu mới của NATO.

Ông Merz cho biết Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng hướng tới mức chi tiêu quốc phòng 5% GDP vào năm 2032, với 3,5% dành cho mua sắm vũ khí và 1,5% cho cơ sở hạ tầng quân sự như đường xá, cầu cảng.

Tuyên bố này tiếp nối chính sách Zeitenwende (bước ngoặt) do người tiền nhiệm Olaf Scholz khởi xướng, với quỹ đặc biệt 100 tỷ euro để hiện đại hóa quân đội.

Ông Merz đã nới lỏng quy định giới hạn nợ trong hiến pháp để đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng, cam kết xây dựng “lực lượng quân đội thông thường mạnh nhất châu Âu”.

Cao Phong (theo The Guardian, DW)