Nguyễn Anh Bình – 4 thập kỷ 'đi và viết' giữa dòng đời báo chí
(CLO) Đã lâu rồi tôi mới có dịp ngồi lại cùng nhà báo Nguyễn Anh Bình – người đã bước vào tuổi "thất thập" nhưng vẫn giữ được phong thái hoạt bát, nhanh nhẹn như thuở nào. Vẫn mái tóc bồng bềnh đậm chất nghệ sĩ, nụ cười hồn hậu và giọng nói trầm ấm của người xứ Nghệ, anh Bình hôm nay đưa tôi xem tập bản thảo dày cộp – cuốn sách thứ 10 sắp in, một tuyển tập những bài viết tâm huyết được chắt lọc từ hành trình 40 năm rong ruổi với nghề báo.
“Tôi gom lại những bài viết mà mình tâm đắc, xem như để ghi lại hành trình một thời sống trọn với đam mê và trách nhiệm cầm bút,” anh Bình chia sẻ.

Nguyễn Anh Bình – người con của vùng cửa ngõ phía Bắc thành phố Hà Tĩnh, nơi từng mang tiếng là “tỉnh nghèo” của đất nước, đã sớm nuôi ước mơ làm báo để được “đi nhiều, viết nhiều”. Năm 1982, khi còn là cán bộ tuyên giáo công đoàn Lâm trường Hương Sơn, anh đã bắt đầu cộng tác với nhiều tờ báo lớn như Lao Động, Tiền Phong, Đại Đoàn Kết, Nghệ Tĩnh…
Sau năm 1991, khi Hà Tĩnh tách tỉnh, anh chính thức bước vào đời làm báo chuyên nghiệp, lần lượt giữ nhiều vị trí tại Hội Nhà báo tỉnh, báo Hà Tĩnh và sau này là báo Nông nghiệp Việt Nam. Trên chặng đường hơn 40 năm, anh để lại dấu ấn đậm nét không chỉ với tư cách một phóng viên, mà còn là người lãnh đạo chi bộ, người định hướng nội dung với nhiều loạt bài có sức lan tỏa lớn trong dư luận.
Những đóng góp ấy đã được ghi nhận bằng hàng loạt giải thưởng và danh hiệu: Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam”, giải thưởng báo chí về nông nghiệp - nông dân - nông thôn của báo Nhân Dân tổ chức, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (6/5/1985-6/5/2025), nhiều bằng khen của các bộ ngành, tổ chức Trung ương và địa phương…
Nói đến Nguyễn Anh Bình là nói đến một cây bút miệt mài, xông xáo, luôn hiện diện ở những nơi mà hơi thở của cuộc sống đang thấm đẫm. Từ cực Bắc Lũng Cú đến tận đất mũi Cà Mau, từ Tây Nguyên đại ngàn đến những bản làng heo hút giữa núi rừng Hương Khê – anh đều có mặt, ghi chép, lắng nghe và kể lại bằng những trang viết đậm tình người.
Anh đặc biệt say mê đề tài Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn, coi đây là “mảnh đất đắc địa” để thể hiện trách nhiệm xã hội của người làm báo. Chính từ đó, các bài viết của anh về xây dựng nông thôn mới tại Hà Tĩnh đã tạo được tiếng vang lớn. Bài “Hàng ngàn hộ dân hiến đất mở đường” từng khiến nhà văn Vũ Hữu Sự xúc động thốt lên lời khâm phục. Bài “Người say mê làm Nông thôn mới” khắc họa chân dung ông Võ Kim Cự – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đã lan tỏa mạnh mẽ tinh thần dấn thân vì cộng đồng.
Bạn bè, đồng nghiệp thân mật gọi anh là “Nhà báo của Nông nghiệp, Nông dân”, “Nhà báo Nông thôn mới”. Những danh xưng tuy có phần dí dỏm nhưng cũng phản ánh phần nào tâm huyết và thương hiệu riêng mà Nguyễn Anh Bình đã gầy dựng.
Không chỉ viết về những điều tốt đẹp, Nguyễn Anh Bình còn là người can đảm đi đến tận cùng của sự thật, không ngần ngại phản ánh những nghịch lý, bất công trong xã hội. Loạt bài “Có một bộ tộc đang sống bơ vơ giữa núi rừng Hương Khê” đã đưa anh đến Văn phòng Quốc hội gặp Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh. Những bài như “Nhật ký vùng lũ”- “Nỡ nào đang tâm để mẹ ra đi như thế”, “Người vớt xác trên sông Bến Thủy”, “Lâm tặc làm cỏ đại ngàn”, “Làng vắng đàn ông”, “Những thùng phuy dioxin nghiệt ngã”… đều để lại dư âm mạnh mẽ trong lòng độc giả.
Đặc biệt, Nguyễn Anh Bình dành một tình cảm sâu đậm cho ngành cao su Việt Nam. Anh từng ra mắt các tập sách, “Cây cao su xanh mãi với thời gian”…, và có nhiều bài viết giúp cải chính những hiểu lầm dai dẳng về loại cây này. “Cao su không hề độc hại, ngược lại còn là cây rừng phòng hộ, cây mũi nhọn kinh tế dài ngày có nhiều công dụng”, anh khẳng định.
Ở tuổi mà nhiều người đã chọn nghỉ ngơi, Nguyễn Anh Bình vẫn xách ba lô, lên đường, vẫn “viết khỏe, viết chắc tay”, như một minh chứng sống cho tinh thần báo chí cách mạng chân chính.
“Còn chân còn nhịp bước còn tiến lên/ Còn đôi mắt sáng ta đâu chịu hèn…”
Câu hát xưa như vang vọng cùng anh trong mỗi hành trình “đi và viết” không biết mỏi mệt.
Với tập sách thứ 10 – tuyển chọn hơn 80 bài báo từ hàng nghìn bài viết trong sự nghiệp báo chí – Nguyễn Anh Bình không chỉ khẳng định tầm vóc một nhà báo có nghề, có tâm, mà còn truyền cảm hứng cho những người viết trẻ hôm nay về một nghề nghiệp cao quý nhưng cũng đầy thử thách.
Bởi lẽ, viết để ca ngợi cái đẹp đã khó, viết để lay động lòng người, góp phần thay đổi xã hội, lại càng cần một trái tim đầy nhân ái và một ý chí bền bỉ. Nguyễn Anh Bình – người vẫn giữ được cả Tầm và Tâm, chính là một trong những tấm gương đáng quý của làng báo hôm nay.