Nghề báo

Hội thảo khoa học quốc tế về AI và báo chí: Kiểm soát, trách nhiệm và chiến lược thích ứng

Phan Anh - Sơn Hải 23/05/2025 18:27

(CLO) Ngày 23/5, tại Hội thảo khoa học quốc tế "Báo chí-truyền thông trong bối cảnh AI phát triển" do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức, các chuyên gia đã cùng nhau phác họa bức tranh toàn cảnh về 'báo chí AI' trong kỷ nguyên số.

Hoàn thiện pháp lý, nâng cao năng lực để thích ứng AI

Phát biểu chào mừng, PGS.TS. Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đánh giá cao việc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức sự kiện mang tính thời sự này, đúng vào thời điểm AI đang phát triển nhanh chóng và đặt ra nhiều vấn đề mới cho lĩnh vực báo chí - truyền thông.

ai1.jpg
PGS.TS. Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu chào mừng.

Ông nhấn mạnh hội thảo là dịp quan trọng để các nhà quản lý, cơ quan báo chí và chuyên gia trong, ngoài nước cùng trao đổi lý luận, thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển.

Thứ trưởng Lê Hải Bình khẳng định AI đang "làm thay đổi căn bản cách thức con người tiếp cận, sản xuất và phân phối thông tin". Các công cụ AI như mô hình ngôn ngữ lớn, công nghệ deepfake, hay công cụ tạo giọng nói nhân tạo đang định hình lại toàn bộ chuỗi giá trị trong báo chí - truyền thông.

Ông nhận định: "AI mang đến tiềm năng to lớn trong việc tối ưu hóa quy trình làm báo, giúp các tòa soạn rút ngắn thời gian sản xuất tin bài, cá nhân hóa nội dung phục vụ độc giả, và nâng cao hiệu quả phân tích dữ liệu để nắm bắt xu hướng dư luận".

ai2.jpg
PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra những thách thức không nhỏ về đạo đức báo chí, tính xác thực của thông tin và sự gia tăng của các hình thức tin sai lệch, tin giả, thao túng nhận thức. "Sự xuất hiện ngày càng phổ biến của nội dung do AI tạo ra mà không rõ nguồn gốc hay thiếu kiểm chứng, đang đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về trách nhiệm của người làm báo, về vai trò của cơ quan quản lý, và cả về nhận thức của công chúng trước làn sóng thông tin mới", Thứ trưởng nhấn mạnh

Tại Việt Nam, Thứ trưởng Lê Hải Bình khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong việc truyền tải thông tin chính thống, định hướng dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông thừa nhận sự phát triển đột phá của AI đang khiến các quy định pháp luật, tiêu chuẩn nghề nghiệp và cơ chế quản lý truyền thông hiện hành trở nên chưa bắt kịp thực tiễn. Do đó, ông đề xuất cách tiếp cận tổng thể, đa ngành, linh hoạt và kịp thời cho công tác quản lý báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI, với sự chung tay của Nhà nước, các cơ quan báo chí và đặc biệt là các cơ sở đào tạo.

ai4.jpg
PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo.

Từ góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Lê Hải Bình tập trung vào ba định hướng chiến lược trọng tâm: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về AI trong báo chí; tạo điều kiện và hỗ trợ các cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ số và AI; và ưu tiên nâng cao năng lực số cho đội ngũ người làm báo thông qua các chương trình đào tạo lại, đào tạo chuyên sâu.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định sự phát triển bùng nổ của AI đang tạo ra những biến đổi sâu sắc, toàn diện trong mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực báo chí, truyền thông. Ông nhấn mạnh báo chí không thể đứng ngoài xu thế công nghệ và việc làm chủ AI phải được định hướng rõ ràng, nhất quán, nhằm "phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng".

ai6.jpg
Ban chủ trì hội thảo.

PGS.TS. Dương Trung Ý đề nghị Học viện Báo chí và Tuyên truyền tiến hành đánh giá nghiêm túc, toàn diện về những vấn đề AI đặt ra đối với báo chí - truyền thông.

Từ đó, Học viện cần đề xuất các giải pháp chiến lược nhằm: cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo các ngành báo chí, truyền thông để trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết về AI; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về tác động của AI đến lĩnh vực báo chí - truyền thông; và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên trong tiếp cận, nghiên cứu và giảng dạy, ứng dụng AI.

Trong phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhấn mạnh AI đã nổi lên như một lực lượng chuyển đổi mạnh mẽ nhất của thời đại số, tác động sâu sắc, toàn diện và định hình lại tương lai của lĩnh vực báo chí và truyền thông. Từ quy trình sản xuất nội dung đến phân phối và tương tác với công chúng, AI đang mở ra cả những cơ hội chưa từng có và đặt ra những thách thức mang tính sống còn.

Ông Sơn khẳng định chủ đề hội thảo là cốt lõi, mang tính chiến lược đối với sự tồn vong và phát triển bền vững của các cơ quan báo chí. "Việc nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng AI một cách có trách nhiệm trong lĩnh vực này không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc để thích ứng, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động trong kỷ nguyên số", ông nhấn mạnh.

Đối thủ mới nguy hiểm hơn cả Google hay Facebook

Việc ứng dụng AI trong báo chí tồn tại những thách thức, các rào cản lớn bao gồm hạn chế về nguồn lực công nghệ, thiếu hụt đội ngũ nhân lực vừa giỏi chuyên môn vừa am hiểu AI, và chi phí đầu tư ban đầu khá cao, đặc biệt đối với các cơ quan báo chí địa phương.

ai7.jpg
PGS. TS. Đinh Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại sự kiện.

Theo PGS. TS. Đinh Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, AI cùng với các công nghệ số mới như Blockchain, xR - công cụ không thể thiếu của ngành công nghiệp nội dung số, cũng là một thách thức lớn trong sáng tạo nội dung và quản trị tòa soạn, nhất là với tòa soạn số hiện nay.

Bà cũng nhấn mạnh rằng: "Các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ bởi khác với con người".

Để vượt qua những rào cản này, PGS. TS. Đinh Thị Thu Hằng nhận định, việc nâng cao nhận thức về ứng dụng AI là điều cần thiết. Các cơ quan báo chí cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, đầu tư vào hạ tầng công nghệ và cơ sở dữ liệu, đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin. Việc bổ sung và hoàn thiện hành lang pháp lý cho báo chí sử dụng AI cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, chính xác và đạo đức.

ai8.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân tại hội thảo.

Cảnh báo rõ ràng hơn được đưa ra bởi ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân. Ông Nguyễn Hoàng Nhật chỉ ra rằng: “Chúng ta đang đối mặt với một đối thủ mới nguy hiểm hơn cả Google hay Facebook - đó chính là các chatbot AI”.

Dẫn chứng từ việc ChatGPT vươn lên vị trí top 5 thế giới về lượt truy cập, ông Nhật cho biết hành vi tìm kiếm thông tin của độc giả đang dịch chuyển mạnh mẽ từ Google sang AI. Điều này đẩy báo chí truyền thống vào thế khó khi lượng truy cập giảm mạnh.

Ông chia sẻ thêm: “Trước đây phóng viên phải mất vài ngày để phân tích một văn bản phức tạp, thí dụ như Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, thì giờ đây chỉ trong một buổi chiều có thể hoàn thành toàn bộ sơ đồ tư duy, bài viết, podcast nhờ AI”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Nhật cũng nhấn mạnh vai trò chốt chặn cuối cùng của con người trong biên tập nội dung: “AI có thể hỗ trợ, nhưng nhà báo mới là người chịu trách nhiệm cuối cùng về thông tin”.

Phan Anh - Sơn Hải