Thế giới 24h

Nghiên cứu quốc tế bác bỏ thuyết 'rò rỉ phòng thí nghiệm', phát hiện virus COVID-19 không bắt nguồn từ Vũ Hán

Hoài Phương (theo SCMP, Cell) 24/05/2025 10:14

(CLO) Nghiên cứu quốc tế mới đã đưa ra bằng chứng cho thấy virus corona không bắt nguồn từ Vũ Hán, trái ngược với giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc.

Được công bố hôm 7/5 trên tạp chí Cell, nghiên cứu quốc tế này dẫn đầu bởi Đại học Edinburgh (Anh), có sự tham gia của các nhà khoa học từ 20 tổ chức ở Mỹ, châu Âu và châu Á – trong đó có cả các nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Họ đã phân tích 167 bộ gen virus corona từ dơi và truy dấu nguồn gốc Sars-CoV-2 đến các quần thể dơi sống ở miền bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), cách Vũ Hán gần 3.000 km. Theo nhóm nghiên cứu, tổ tiên gần nhất của virus đã tồn tại tại khu vực này từ 5 đến 7 năm trước khi đại dịch bùng phát.

untitled(1).png
Ảnh minh họa: Unsplash

Phát hiện này đặt dấu hỏi lớn cho tuyên bố của Nhà Trắng, nơi từng khẳng định vào tháng 4 rằng “rò rỉ phòng thí nghiệm là nguồn gốc thực sự của đại dịch”. Các dòng chữ in hoa đậm “RÒ RỈ PHÒNG THÍ NGHIỆM”, “SỰ THẬT” và “NGUỒN GỐC” vẫn hiện diện công khai.

Nhóm nghiên cứu tập trung vào sarbecovirus – một nhóm virus corona có khả năng gây bệnh hô hấp nặng, bao gồm cả Sars-CoV-1 (gây đại dịch Sars 2002–2004) và Sars-CoV-2 (gây đại dịch COVID-19).

Tác giả chính Jonathan Pekar cho biết: Sars-CoV-1 từng lưu hành ở miền tây Trung Quốc trước khi lan tới Quảng Đông năm 2002, còn Sars-CoV-2 thì đã có mặt ở miền bắc Lào hoặc tây nam Trung Quốc từ khoảng năm 2012–2014.

Điều đáng chú ý là dơi, dù là vật chủ chính của các loại virus này, chỉ có phạm vi bay vài km – không đủ để mang virus vượt 2.700 km tới Vũ Hán. Điều này gợi mở khả năng virus được đưa tới thông qua chuỗi buôn bán động vật hoang dã, chứ không phải từ quá trình di cư tự nhiên.

Giáo sư Michael Worobey, đồng tác giả nghiên cứu từ Đại học Arizona, nhấn mạnh: "Các virus gần nhất với Sars-CoV-2 từng được tìm thấy ở cầy hương và lửng chó – đều là động vật nằm trong chuỗi cung ứng động vật hoang dã ở Trung Quốc". Điều này cho thấy các mạng lưới buôn bán động vật có thể đã đóng vai trò chính trong việc đưa virus đến các đô thị lớn như Vũ Hán.

Đội ngũ nghiên cứu cũng xây dựng cây phát sinh loài để mô phỏng quá trình tiến hóa của virus. Họ xác định được "tổ tiên chung gần nhất" (MRCA) của virus gây bệnh Sars xuất hiện vào khoảng năm 2001, còn MRCA của Sars-CoV-2 thì vào khoảng năm 2017. Phát hiện này hoàn toàn bác bỏ lập luận rằng virus "mới xuất hiện" ở Vũ Hán từ phòng thí nghiệm.

Nghiên cứu còn liên hệ mô hình lây lan COVID-19 với các đợt dịch bệnh trong lịch sử như bệnh dịch hạch Mãn Châu năm 1910, khi đường sắt đã vận chuyển động vật mang mầm bệnh từ Nga tới các thành phố Trung Quốc. Hơn 60.000 người khi đó đã thiệt mạng sau khi vi khuẩn dịch hạch được đưa đến Cáp Nhĩ Tân qua tuyến đường sắt xuyên Siberia.

Tuy nhiên, khác với bệnh dịch hạch, vốn có chuỗi truyền nhiễm được ghi chép rõ ràng, đường lây chính xác từ dơi sang người của COVID-19 vẫn chưa được giải mã hoàn toàn.

Đáp trả lại các tuyên bố trên trang web Nhà Trắng, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 23/4 cho biết “ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy virus đã xuất hiện ở Mỹ trước Trung Quốc”, và kêu gọi các cuộc điều tra truy vết tiếp theo nên diễn ra tại Mỹ.

Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi từng bị nghi là điểm khởi phát đại dịch, đã bị đóng cửa. Hiện tại, vị trí này được thay thế bằng một khu chợ kính mắt.

Hoài Phương (theo SCMP, Cell)