Lốp xe cũ đang gây khủng hoảng rác thải độc hại
(CLO) Mỗi ngày, khoảng 1.000 tấn lốp xe cũ từ Anh bị xuất khẩu trái phép và đốt cháy, gây khủng hoảng môi trường toàn cầu.
Ngành công nghiệp ô tô đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc xử lý lốp xe cũ, vốn đang góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng rác thải độc hại.

Ông Darren Lindsey, lãnh đạo Hiệp hội Các nhà sản xuất lốp xe Anh (BTMA), tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất và tái chế lốp xe, đã kêu gọi chính phủ Anh khẩn trương hành động để khắc phục các lỗ hổng pháp lý.
Những kẽ hở này đang cho phép hàng triệu lốp xe đã qua sử dụng được xuất khẩu sang Ấn Độ để đốt, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe con người.
Hiện tại, quy định miễn trừ T8 tại Anh đang là tâm điểm của vấn đề. Quy định này cho phép các doanh nghiệp xử lý tới 40 tấn lốp xe con đã qua sử dụng mỗi tuần mà không cần xin giấy phép môi trường nghiêm ngặt. Điều kiện để được hưởng miễn trừ này tương đối đơn giản và không yêu cầu kiểm tra thực tế tại cơ sở.
Ban đầu, T8 được thiết kế nhằm hỗ trợ các ngành ít rủi ro như nông nghiệp hoặc tái chế, giúp họ nén lốp xe thành những khối cao su lớn, sau đó xuất khẩu sang các nước như Ấn Độ để băm nhỏ và tái chế. Quá trình này tương tự cách xử lý lốp xe tại Anh, nhưng chi phí thấp hơn đáng kể.
Tuy nhiên, ông Lindsey cảnh báo rằng một số nhà thu gom lốp xe đang lợi dụng kẽ hở này để trục lợi.
Thay vì tái chế đúng cách, nhiều lốp xe được xuất khẩu dưới danh nghĩa hợp pháp nhưng cuối cùng bị đốt tại các cơ sở liên quan đến thị trường chợ đen ở Ấn Độ.
Một cuộc điều tra gần đây của BBC đã phơi bày thực trạng này, cho thấy các khối lốp xe được gửi đi với mục đích “tái chế” thực chất bị đốt cháy, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại Anh, việc đốt lốp xe bị cấm do khói và chất ô nhiễm độc hại mà chúng thải ra, theo quy định của Cơ quan Môi trường. Lốp xe đã qua sử dụng tại đây phải được xử lý bởi các công ty tái chế hoặc xử lý rác thải đã đăng ký, đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, ông Lindsey nhấn mạnh rằng hệ thống thị trường tự do không được kiểm soát chặt chẽ, kết hợp với giá năng lượng toàn cầu tăng cao, đã tạo điều kiện cho lốp xe, vốn có giá trị nhiệt lượng lớn, bị xuất khẩu tràn lan.
Ông Lindsey đã kêu gọi chính phủ chấm dứt quy định T8 và áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn để theo dõi việc vận chuyển và xử lý lốp xe.
Ý kiến này nhận được sự đồng tình từ ông Peter Taylor, Tổng thư ký Hiệp hội Tái chế Lốp xe (TRA). Dù khẳng định ngành tái chế lốp xe tại Anh không hoàn toàn thiếu sự quản lý, ông Taylor cho rằng khung pháp lý hiện tại đang có nhiều bất cập.
Ông đề xuất rằng lốp xe xuất khẩu để tái chế cần được băm nhỏ trước khi rời Anh, thay vì nén thành khối, nhằm hạn chế các hành vi sai phạm tại những quốc gia như Ấn Độ.
Ông Taylor đã vận động chấm dứt T8 từ năm 2018, đồng thời cảnh báo rằng một số lượng đáng kể các nhà thu gom lốp xe đang cố tình vi phạm pháp luật.
Vấn đề không chỉ dừng lại ở tác động môi trường mà còn đe dọa trực tiếp đến ngành tái chế lốp xe của Anh. Cả BTMA và TRA đều bày tỏ lo ngại rằng sự chậm trễ của chính phủ trong việc hành động có thể gây tổn hại không thể khắc phục cho ngành này.
Ông Taylor khẳng định Anh hoàn toàn có khả năng tái chế tới 80% lượng lốp xe cũ mỗi năm.
Tuy nhiên, chừng nào quy định T8 còn tồn tại, các nhà đầu tư sẽ ngần ngại rót vốn vào lĩnh vực tái chế lốp xe. Nếu không có hành động kịp thời, hệ thống cơ sở hạ tầng tái chế và chuỗi cung ứng hỗ trợ ngành này có nguy cơ sụp đổ.
Theo số liệu chính thức, mỗi năm Anh thải ra khoảng 50 triệu lốp xe, trong đó gần một nửa được xuất khẩu. Nếu quy định T8 được bãi bỏ, ông Lindsey tin rằng lượng lốp xe thải ra nước ngoài, hiện ở mức 1.000 tấn mỗi ngày, sẽ giảm đáng kể.
Phản hồi về vấn đề này, Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Anh cho biết các bộ trưởng đang xem xét các ưu tiên liên quan đến quản lý rác thải và tài nguyên.
Một trong những đề xuất cải cách được cân nhắc là loại bỏ quy định T8, mở ra hy vọng về một hệ thống quản lý lốp xe cũ chặt chẽ và bền vững hơn trong tương lai.