Cấm tuyệt đối mua bán dữ liệu cá nhân: Quyết không để hình thành 'chợ đen' gây bất an xã hội
(CLO) Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Vấn đề cấm mua bán dữ liệu cá nhân – một trong những điểm mấu chốt của dự thảo luật – đã thu hút sự quan tâm, phân tích sâu sắc từ nhiều đại biểu Quốc hội.
.jpg)
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, dữ liệu cá nhân đang trở thành đối tượng bị mua bán như hàng hóa thông thường, với số lượng lớn, được chuyển tay qua nhiều đối tượng để phân tích, khai thác, từ đó hình thành các kịch bản lừa đảo tinh vi. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hàng loạt vụ lừa đảo công nghệ cao thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, nếu không có quy định nghiêm cấm hành vi mua bán dữ liệu cá nhân kèm chế tài mạnh mẽ, sẽ xuất hiện “chợ đen dữ liệu”, gây thiệt hại lớn và tạo cảm giác bất an trong xã hội.
Dự thảo Luật quy định tại khoản 5, Điều 7 nghiêm cấm hành vi mua bán dữ liệu cá nhân, đồng thời bổ sung điều khoản cấm việc cho thuê, mượn hoặc sử dụng dữ liệu cá nhân của người khác để thực hiện hành vi trái pháp luật. Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, phạm vi điều chỉnh của luật bao trùm cả môi trường truyền thống và môi trường điện tử, nhằm ngăn chặn tình trạng lách luật hoặc khai thác trái phép thông tin cá nhân trong trạng thái luân chuyển giữa hai môi trường.
Bộ trưởng cũng cho biết, Ban soạn thảo đã tiếp thu, rà soát, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính để bảo đảm thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình triển khai luật, đồng thời vẫn giữ được hiệu lực quản lý.
.jpg)
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với sự cần thiết phải ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân ngày càng phổ biến và tinh vi, từ những thông tin tưởng chừng vô hại như số điện thoại, địa chỉ email, đến cả tài khoản ngân hàng, hồ sơ y tế. Hậu quả là các hình thức lừa đảo qua mạng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân. Đại biểu đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng nghiêm cấm việc mua bán dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý rõ ràng của chủ thể dữ liệu hoặc nhằm mục đích trục lợi, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của cá nhân khác, thay vì cấm tuyệt đối không ngoại lệ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng không nên cấm hoàn toàn mọi hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân, bởi một số hình thức có thể phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nếu có sự đồng thuận của chủ thể dữ liệu. Tuy nhiên, cần cấm triệt để các hành vi mua bán dữ liệu nhạy cảm, đặc biệt là dữ liệu không được chính quyền cho phép.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum) nêu thực tế rằng một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kỷ nguyên công nghệ, dễ bị lừa đảo hoặc khai thác trái phép qua các thiết bị như camera an ninh, các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Đại biểu đề xuất tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các thiết bị, ứng dụng có khả năng thu thập dữ liệu cá nhân.

Bên cạnh đó, các đại biểu như Trần Kim Yến (Đoàn TP.HCM) đề nghị bổ sung chế tài mạnh hơn trong xử lý vi phạm. Đại biểu nhấn mạnh, mức xử phạt hiện nay vẫn còn nhẹ, chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, chưa tạo được sức răn đe đủ lớn. Việc xây dựng luật cần đồng thời thiết kế quy trình tiếp nhận, xử lý tố giác tội phạm, điều tra, xét xử vụ việc vi phạm dữ liệu cá nhân một cách rõ ràng, thống nhất và có cơ chế giám sát để tránh lạm quyền.
Các ý kiến đều thống nhất quan điểm rằng, bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là yêu cầu cấp thiết về an ninh, trật tự và lòng tin xã hội trong thời đại số. Luật cần nghiêm minh, khả thi, đi liền với nâng cao năng lực thực thi và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người trong không gian mạng và thúc đẩy kinh tế số phát triển bền vững.