Tin tức

Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình định hướng phát triển ngành gắn với không gian phát triển sau sáp nhập

Trung Quyết 24/05/2025 17:40

(CLO) Ngày 24/5, tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình phối hợp tổ chức Hội thảo "Tham vấn về định hướng phát triển ngành - lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, vùng động lực gắn với tổ chức lại không gian phát triển tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam Trương Quốc Huy nhấn mạnh, chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

anhr2.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Trương Quốc Huy phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025, Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.

Hội thảo có vai trò rất quan trọng, nhằm nhận diện đầy đủ và phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành, lĩnh vực, địa phương các tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới trên nguyên tắc thống nhất, liên thông, kết nối, cộng hưởng sức mạnh, phân công và hợp tác lãnh thổ.

Từ đó, xác định định hướng phát triển ngành - lĩnh vực, sản phẩm chủ lực gắn với quy hoạch không gian, vùng động lực phát triển Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh.

Hội thảo tập trung thảo luận ba nhóm vấn đề trọng tâm. Thứ nhất là làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc nhận diện đầy đủ các tiềm năng, lợi thế địa - chính trị, tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái, truyền thống văn hóa, di sản của từng địa phương. Qua đó, đánh giá bối cảnh quốc tế và trong nước cũng như những cơ hội, thách thức tác động đến sự phát triển của tỉnh Ninh Bình mới sau sáp nhập.

Thứ hai là xác định định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, vùng động lực mới trong mối liên kết vùng, tập trung vào các ngành có lợi thế như công nghiệp chế biến, chế tạo, bán dẫn, AI, công nghiệp văn hóa, du lịch, công nghệ số, kinh tế biển và bảo vệ môi trường.

Thứ ba là đề xuất con đường phát triển, các mục tiêu chiến lược và chương trình hành động, nhằm phát huy nội lực và thu hút ngoại lực, đưa tỉnh Ninh Bình mới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 với mô hình đô thị di sản xanh, hiện đại.

Hội thảo đã nhận được tham luận của 50 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp của các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Nội dung các bài tham luận đều được nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng, có chiều sâu với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, đặt trong mối tương quan tổng thể với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các đại biểu tập trung tham luận về 3 vấn đề chính gồm: Nhận diện tiềm năng, lợi thế của ngành, lĩnh vực, địa phương của các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình; Định hướng phát triển và định hướng không gian phát triển vùng động lực theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cho biết: Trong những năm qua, Đảng bộ các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, nỗ lực hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều điểm sáng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, chú trọng phát triển các động lực tăng trưởng mới dựa trên giá trị các ngành công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nhận diện tiềm năng thế mạnh để phát triển tỉnh mới, trong đó định dạng và định vị của tỉnh Ninh Bình mới đặt trong vị trí của quốc gia và trên thế giới; từ vị trí địa lý thuận lợi, dân số đông, di sản, hạ tầng giao thông... là tiềm năng rất quan trọng và đòi hỏi phải tiếp cận theo tư duy mới; khắc phục điểm trũng của logistics, phát triển khu công nghệ, khu đại học, thành phố du lịch di sản, phát triển kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với khai thác thế mạnh ở từng địa bàn; tổ chức lại các vùng động lực cho phát triển, trong đó hình thành chuỗi kết nối các khu đô thị của 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình; phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ mới nổi; phát triển các làng nghề truyền thống.

Trên cơ sở các bài tham luận khoa học và các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiêu biểu của 03 tỉnh Hà Nam, Nam Định và tỉnh Ninh Bình, Ban Tổ chức sẽ chắt lọc để xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới và xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng phát triển.

Trung Quyết