Tin tức

Quan hệ Việt – Pháp: Từ sự gắn kết đặc biệt đến những bước phát triển toàn diện

Hà Anh 25/05/2025 13:00

(CLO) Việt Nam và Pháp- hai đất nước nằm tại hai lục địa khác nhau- nhưng lịch sử đã tạo dựng nên mối lương duyên khăng khít về chính trị, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, ngôn ngữ, con người. Từ sự gắn kết đặc biệt ấy, quan hệ Việt- Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

Hai đất nước với những sợi dây liên kết bền vững

Đó nhìn nhận của rất nhiều các chính khách, nhà ngoại giao hai nước.

anh3.jpg
Tổng thống Pháp Jacques Chirac gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ lần 7 năm 1997. Ảnh: TTXVN.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac, người có tới hai lần đến thăm Việt Nam (năm 1997 và 2004), khi tới Hà Nội tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ lần 7 năm 1997 đã chia sẻ: “Người Việt Nam và người Pháp đã gặp nhau từ rất lâu. Ngay từ thế kỷ thứ XVII, các nhà thông thái Pháp đã tìm hiểu về nền văn minh cổ xưa và ngôn ngữ của Việt Nam. Kể từ đó, hai dân tộc đã dệt nên những sợi dây liên kết bền vững. Những sợi dây liên kết đó tồn tại bất chấp những đối đầu và sự xa cách về địa lý giữa hai nước…”. Trong cuộc tiếp xúc báo chí nhân dịp sắp sang thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Á - Âu lần thứ 5 (ASEM 5) hồi năm 2004, Tổng thống Jacques Chirac cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam có vị trí đặc biệt trong lòng người dân Pháp và là đối tác ưu tiên đặc biệt của Pháp trong thế kỷ 21.

Cách đây gần 4 năm, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp tháng 11/2021, trong cuộc hội kiến, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Pháp Richard Ferrand đã nhất trí cho rằng Việt Nam và Pháp có mối quan hệ lịch sử đặc biệt, nhiều duyên nợ và luôn có sự gắn kết về mọi mặt, từ quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế đến văn hóa, kiến trúc, ẩm thực và con người. Cũng trong chuyến thăm, nói đến 2 chữ “duyên nợ” của mối quan hệ này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, nước Pháp là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến, đã ở lại lâu nhất trên hành trình tìm đường cứu nước, và cũng tại nơi đây, Người đã tìm ra con đường cứu dân tộc mình. Rồi cũng ngay tại Paris, một hiệp ước hòa bình đã được ký để chấm dứt chiến tranh cho Việt Nam…

Tại Lễ kỷ niệm 235 năm Quốc khánh Pháp do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức ngày 15/7/2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định, lịch sử đã tạo dựng nên mối lương duyên khăng khít giữa Việt Nam và Pháp với những gắn kết đặc biệt về chính trị, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, ngôn ngữ, con người. Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã viện dẫn, cuộc cách mạng năm 1789 không chỉ là sự kiện lịch sử đặt nền móng cho nền Cộng hòa Pháp ngày nay, mà còn trở thành biểu tượng nhân loại, đề cao sức mạnh nhân dân cùng lý tưởng cao đẹp về “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Tinh thần này cũng được phản ánh trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 của Việt Nam. Quốc khánh Pháp hàng năm là dịp để tôn vinh những giá trị tốt đẹp đó và nhắc nhở mỗi chúng ta thêm yêu chuộng hòa bình, không ngừng phấn đấu vì sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Những dấu mốc phát triển ấn tượng

Được ươm mầm trên những sự gắn kết đặc biệt ấy, vượt lên trên những thăng trầm lịch sử, quan hệ Việt- Pháp không ngừng phát triển với những dấu mốc hết sức ấn tượng.

Đó là, tháng 4/1973, ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, Pháp đã là nước đầu tiên ở Tây Âu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Tháng 4/1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có chuyến thăm Cộng hòa Pháp.

Đó là, vào những năm 1980, khi Việt Nam bị bao vây, cấm vận, Pháp là nước phương Tây duy nhất duy trì quan hệ với Việt Nam thông qua hợp tác khoa học kỹ thuật cũng như giao lưu văn hóa. Pháp là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên hỗ trợ quá trình cải cách và mở cửa của Việt Nam.

Đó là, Pháp cũng nằm trong số các nhà cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức của Việt Nam. Pháp xoá nợ và giúp Việt Nam giải quyết nợ với các nước thành viên Câu lạc bộ Paris.

Tháng 2/1993, Tổng thống Pháp François Mitterrand trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên thăm Việt Nam kể từ năm 1975. Trong chuyến thăm này, ông cho hay Pháp sẽ giúp Việt Nam khôi phục quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế và tăng gấp đôi viện trợ, đồng thời đánh giá lệnh cấm vận của Mỹ đã lỗi thời và cần được gỡ bỏ. Và thực tế, nhà lãnh đạo Pháp đã góp phần để đến năm 1994 Mỹ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Năm 2004 khi tới Việt Nam, Tổng thống Pháp Jacques Chirac khẳng định Pháp tiếp tục dành cho Việt Nam các khoản viện trợ phát triển song phương cũng như tái khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của Pháp đối với việc Việt Nam sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Sau năm 2013, khi hai nước ký "Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt- Pháp", quan hệ Việt- Pháp càng có thêm nhiều dấu mốc ấn tượng. Đơn cử như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) đi vào thực thi đã tạo đà cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu, trong đó có Pháp. Pháp trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).

tbt.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Tổng Bí thư Tô Lâm tại Điện Elysee ở Thủ đô Paris ngày 7/10/2024. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Đặc biệt, tháng 10/2024, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam.

Năm 2024 cũng chứng kiến một bước tiến nổi bật nữa trong quan hệ Pháp-Việt Nam khi lần đầu tiên trong lịch sử song phương ghi nhận sự hiện diện của hai thành viên Chính phủ Pháp tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức ngày 7/5/2024.

van-kien3.jpg
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hàng không VietjetAir Nguyễn Thị Phương Thảo cùng Tổng Giám đốc Đinh Việt Phương và Tổng giám đốc tập đoàn Safran Oliver Andriès cùng Tổng Giám đốc CFM International Gael Méheust ký kết Hợp đồng cung cấp động cơ và dịch vụ bảo dưỡng động cơ cho 200 máy bay thân hẹp. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Nửa thế kỷ qua, quan hệ Việt- Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Như nhìn nhận của Chủ tịch Thượng viện Pháp Larcher, “Sau trận Điện Biên Phủ mà chúng ta sẽ đánh dấu cột mốc tròn 70 năm vào năm 2024, ai mà có thể nghĩ rằng Việt Nam và Pháp sẽ tìm thấy một con đường chung như hiện nay?" và, "dù đã trải qua một lịch sử "đa diện, bị tổn thương trong những thời khắc đau thương và chiến tranh", hai dân tộc đã vượt qua được những khác biệt và "hiểu rằng có thể cùng nhau tạo ra một câu chuyện khác, một số phận khác" nhưng không quên hay phủ nhận bất cứ điều gì trong quá khứ".

Chuyến thăm của Tổng thống Macron: Mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Việt-Pháp

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Pháp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ 25-27/05. Chuyến thăm là cột mốc quan trọng đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Emmanuel Macron trên cương vị Tổng thống Pháp, đồng thời là chuyến thăm thứ năm của một Tổng thống Pháp đến Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Việc Tổng thống Emmanuel Macron mong muốn thăm Việt Nam đầu tiên, thể hiện mối quan hệ hết sức đặc biệt giữa Pháp và Việt Nam.

anh5.jpg
Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác với Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp (CNRS). Qua hơn 40 năm hợp tác, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và CNRS đã triển khai hàng trăm dự án nghiên cứu chung - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân được kỳ vọng thúc đẩy việc triển khai thực chất và hiệu quả các cam kết đã được thống nhất trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện. Điều đáng nói, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống, Việt Nam và Pháp cũng đang có cơ hội lớn thúc đẩy các định hướng hợp tác mới, đáp ứng với các mục tiêu phát triển của Việt Nam và phù hợp với thế mạnh của Pháp, như: năng lượng hạt nhân, khoa học-công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI)… Điều này thực sự có ý nghĩa khi về phía Việt Nam, Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ , đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã xác định khoa-học công nghệ là quốc sách hàng đầu trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho hay trong thời gian tới, Pháp sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng, trong đó có năng lượng hạt nhân cũng như giao thông hay những công nghệ cao, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông cho rằng Pháp đặc biệt quan tâm đến những tầm nhìn mà Việt Nam đã đưa ra, đặc biệt là những dự án lớn phát triển hạ tầng chiến lược Việt Nam, ví dụ như dự án liên quan đến đường sắt tốc độ cao của Việt Nam. Đây là lĩnh vực mà rất nhiều doanh nghiệp Pháp có thế mạnh.

Có thể nói, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Pháp là dịp để khẳng định sự mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa hai nước chúng ta, cũng như mong muốn tăng cường quan hệ lên tầm cao mới trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để hai phía khẳng định quyết tâm cùng nhau xây dựng mối quan hệ đối tác hiện đại, năng động, tôn trọng lợi ích cũng như chủ quyền của mỗi quốc gia,” Đại sứ Olivier Brochet khẳng định.

Hà Anh