Thị trường - Doanh nghiệp

‏Visa ‘thẻ vàng’ của Mỹ: Hào nhoáng nhưng kén khách‏

‏Dũng Phan‏‏ (Theo Business Insider)‏ 25/05/2025 09:06

‏(CLO) Công bố visa “thẻ vàng” trị giá 5 triệu USD, Tổng thống Donald Trump kỳ vọng triệu người mua nhưng giới chuyên gia dự đoán dưới 100.000.‏

Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump quyết tâm thực hiện cam kết tranh cử về siết chặt chính sách nhập cư, nhiều câu hỏi đang được đặt ra về tương lai của những lao động tay nghề cao đến Mỹ theo chương trình visa H-1B. ‏

770-202505250722301.png
‏Hình minh họa tấm thẻ Visa vàng của Mỹ. Ảnh: Next Generation Equity‏

‏Đây là loại visa mà các công ty Mỹ thường sử dụng để tuyển dụng nhân sự nước ngoài có kỹ năng chuyên môn, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.‏

‏Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã nhắm đến chương trình visa H-1B khi ký sắc lệnh hành pháp “Mua hàng Mỹ, Thuê người Mỹ” nhằm hạn chế những hành vi lạm dụng tiềm tàng. ‏

‏Tuy nhiên, trước thềm nhiệm kỳ thứ hai, ông lại bày tỏ sự ủng hộ với chương trình này trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Post. “Tôi luôn thích các visa này. Tôi đã sử dụng chúng rất nhiều lần. Đó là một chương trình tuyệt vời”, ông chia sẻ vào tháng 12 vừa qua.‏

‏Dù vậy, tương lai của visa H-1B vẫn còn nhiều bất định. Tuần trước, hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đề xuất một nghị quyết chung nhằm hủy bỏ quy định từ thời cựu Tổng thống Joe Biden, vốn cho phép gia hạn visa H-1B tự động trong 540 ngày thay vì 180 ngày như trước đây.‏

‏Ảnh hưởng đến ngành tài chính Mỹ‏

‏Trước những diễn biến này, Business Insider đã tiến hành phân tích dữ liệu để tìm hiểu xem các công ty dịch vụ tài chính Mỹ nào sẽ chịu tác động lớn nhất nếu visa H-1B bị hạn chế trở lại. ‏

‏Dựa trên số liệu từ Bộ Lao động và Cục Di trú Mỹ, nghiên cứu tập trung vào các tập đoàn tài chính lớn nộp nhiều đơn xin visa H-1B nhất trong năm tài chính 2024 của chính phủ, kéo dài từ quý 4 năm 2023 đến quý 3 năm 2024.‏

‏Kết quả cho thấy những ngân hàng, công ty thẻ tín dụng và nhà quản lý tài sản hàng đầu như JPMorgan hay BlackRock nằm trong số các đơn vị tích cực tài trợ visa H-1B nhất. ‏

‏Dù phần lớn đơn xin visa nhằm tuyển dụng nhân sự công nghệ và phần mềm, một số công ty còn sử dụng chương trình này để chiêu mộ các chuyên gia ngân hàng đầu tư hoặc nhân viên tài chính. ‏

‏Tuy nhiên, không phải mọi đơn xin đều dẫn đến tuyển dụng thực tế. Một số trường hợp chỉ là nộp lại hồ sơ để điều chỉnh hoặc gia hạn visa hiện có. Dù vậy, dữ liệu công khai vẫn phản ánh rõ nhu cầu lớn đối với visa H-1B tại các tập đoàn hàng đầu.‏

‏Các công ty được nhắc đến trong bài viết hoặc không phản hồi yêu cầu bình luận, hoặc từ chối đưa ra ý kiến chính thức.‏

‏Visa “thẻ vàng” 5 triệu USD: Tham vọng lớn, thách thức không nhỏ‏

‏Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch về một loại visa “thẻ vàng” trị giá 5 triệu USD, mang lại đặc quyền thẻ xanh và mở ra con đường trở thành công dân Mỹ. ‏

‏Ông dự đoán có thể có tới 1 triệu người sẵn sàng chi tiền để sở hữu visa này. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đưa ra con số khiêm tốn hơn, cho rằng khoảng 250.000 người đang “chờ sẵn” và “sẵn sàng trả 5 triệu USD”. ‏

‏Ông Lutnick cũng tiết lộ với Axios rằng một trang web dành cho các ứng viên tiềm năng sẽ sớm ra mắt trong vài tuần tới, kèm theo thông tin chi tiết bổ sung.‏

‏Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan về ý tưởng này. Ông Dominic Volek, người đứng đầu bộ phận khách hàng cá nhân tại Henley & Partners - một công ty tư vấn di trú đầu tư - nhận định kế hoạch khó lòng thu hút đông đảo người tham gia. “Dự đoán của họ quá xa thực tế”, ông nói với Business Insider. ‏

‏Theo ông, những người giàu có thường không chi quá 10% tài sản lưu động của mình cho một quyết định tùy ý, dù đó là mua du thuyền, đồng hồ xa xỉ hay quyền cư trú tại một quốc gia.‏

‏Ông Volek ước tính một cá nhân cần sở hữu ít nhất 50 triệu USD tài sản lưu động để có thể thoải mái chi 5 triệu USD.

“Trên toàn cầu, chỉ khoảng 100.000 đến 150.000 người có mức tài sản như vậy, và phần lớn đã sinh sống tại Mỹ. Điều này khiến thị trường tiềm năng thu hẹp xuống dưới 100.000 người”, ông phân tích.‏

‏Ngay cả với người giàu, việc chi 5 triệu USD thay vì đầu tư số tiền đó có thể là một lựa chọn khó cân nhắc.

Nhiều quốc gia khác như New Zealand (yêu cầu đầu tư 2,95 triệu USD) hay Singapore (7,8 triệu USD) đều cung cấp quyền cư trú hoặc quốc tịch kèm theo lợi nhuận tài chính rõ ràng, thay vì chỉ yêu cầu chi phí một chiều.‏

‏Gánh nặng thuế và sức hút của visa EB-5‏

‏Một rào cản khác là chính sách thuế của Mỹ. Không giống nhiều quốc gia, Mỹ áp thuế thu nhập toàn cầu đối với công dân và cả những người sở hữu thẻ xanh, kể cả khi họ sống ở nước ngoài. ‏

‏“Xét về khía cạnh thuế, Mỹ không phải điểm đến lý tưởng”, ông Volek nhấn mạnh. “Nếu chính sách thuế không được điều chỉnh, kế hoạch này có nguy cơ thất bại nặng nề”.‏

‏Dù vậy, ý tưởng của Tổng thống Donald Trump đã tạo hiệu ứng bất ngờ khi làm gia tăng sự quan tâm đến visa EB-5 - chương trình đầu tư định cư với mức phí thấp hơn, chỉ 1,05 triệu USD để nhận thẻ xanh. ‏

‏Ông Volek cho biết: “Khoảng 80% khách hàng tiềm năng mà chúng tôi tiếp cận đã lập tức liên hệ và yêu cầu bắt đầu thủ tục ngay”. ‏

‏Một báo cáo từ Henley & Partners và công ty New World Wealth cho thấy lượng yêu cầu về visa EB-5 tăng vọt 168% trong quý đầu năm nay so với quý cuối năm 2024. Đến tháng 4, số lượng yêu cầu đã chiếm gần 50% tổng số cả năm 2024.‏

‏Bộ trưởng Howard Lutnick thậm chí còn gợi ý rằng visa “thẻ vàng” có thể thay thế hoàn toàn chương trình EB-5 trong tương lai. Tuy nhiên, Nhà Trắng hiện chưa đưa ra phản hồi chính thức về vấn đề này.‏

‏Visa “thẻ vàng” của Mỹ mang tham vọng lớn, nhưng thực tế lại đối mặt với không ít thách thức, từ mức giá cao ngất ngưởng, thị trường hạn chế cho đến gánh nặng thuế. ‏

‏Trong khi đó, các lựa chọn như EB-5 vẫn đang chứng tỏ sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư toàn cầu. Liệu kế hoạch này có thành công hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, chờ những diễn biến tiếp theo từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.‏

‏Dũng Phan‏‏ (Theo Business Insider)‏