Triều Tiên bắt giữ ba quan chức liên quan đến sự cố hạ thủy chiến hạm
(CLO) Triều Tiên đã bắt giữ ba quan chức cấp cao liên quan đến sự cố nghiêm trọng trong quá trình hạ thủy một tàu khu trục 5.000 tấn tại nhà máy đóng tàu Chongjin.
Vụ việc khiến chiến hạm bị hư hại và gây ra cơn thịnh nộ từ lãnh đạo Kim Jong Un, người gọi đây là “sai lầm không thể dung thứ”.
Theo hãng thông tấn nhà nước KCNA, ba người bị bắt gồm Kang Jong-chol, kỹ sư trưởng nhà máy Chongjin; Han Kyong Hak, trưởng phân xưởng đóng thân tàu; và Kim Yong Hak, phó giám đốc hành chính. Ngoài ra, giám đốc nhà máy Hong Kil Ho cũng bị triệu tập để điều tra sau sự cố xảy ra ngày 21/5.

KCNA cho biết, quá trình hạ thủy chiến hạm gặp trục trặc do “chỉ huy bất cẩn và thiếu kinh nghiệm vận hành”. Cụ thể, con lăn ở đuôi tàu di chuyển sớm hơn dự kiến và bị kẹt, khiến tàu mất cân bằng. Hậu quả là một số phần đáy tàu bị nghiền nát, trong khi mũi tàu mắc kẹt trên triền nghiêng, không thể rời bờ.
Hình ảnh vệ tinh ngày 22/5 cho thấy chiến hạm nằm chéo so với cảng, phần đuôi ngập nước, còn phần mũi được che phủ bằng bạt xanh, dường như để ngăn vệ tinh chụp ảnh chi tiết.
Các cuộc kiểm tra sau đó xác nhận đáy tàu không bị thủng và mức độ thiệt hại được đánh giá là “không nghiêm trọng”. Tuy nhiên, lãnh đạo Kim Jong Un đã ra lệnh sửa chữa chiến hạm ngay lập tức để chuẩn bị cho một cuộc họp quan trọng vào tháng 6.
Giới chuyên gia Hàn Quốc và Mỹ nhận định, sự cố xuất phát từ việc Triều Tiên thiếu kinh nghiệm trong hạ thủy tàu chiến cỡ lớn theo phương ngang – một kỹ thuật phức tạp, phù hợp với các cơ sở nội thủy hoặc khu vực nước nông như nhà máy Chongjin.
So với phương pháp hạ thủy dọc truyền thống, phương ngang đòi hỏi tính toán chính xác, nhiều đà trượt và đường triền, dẫn đến nguy cơ trục trặc cao hơn nếu không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật và vận hành.
Chiến hạm gặp sự cố là chiếc thứ hai thuộc lớp khu trục hạm Choe Hyon, dòng tàu chiến lớn và hiện đại nhất của Triều Tiên. Trước đó, chiếc đầu tiên đã được hạ thủy thành công vào tháng 4 tại cảng Nampo bằng phương pháp sử dụng ụ nổi, vốn an toàn và ít rủi ro hơn.