Giáo dục

Giải thích chính thức của Bộ GD&ĐT về quy đổi điểm xét tuyển năm 2025

Nguyễn Đoan 25/05/2025 13:04

(CLO) Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã có những giải thích chi tiết về quy đổi điểm xét tuyển đại học năm 2025 sau khi Bộ công bố hướng dẫn.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, đã làm rõ các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, căn cứ khoa học của phương pháp bách phân vị, và việc áp dụng quy đổi điểm đối với học bạ THPT.

Ông Dũng cho biết, việc lựa chọn phương thức xét tuyển thuộc quyết định của các cơ sở đào tạo. Do đó, các trường phải có trách nhiệm giải trình lý do lựa chọn các phương thức xét tuyển khác nhau cho cùng một ngành/nhóm ngành đào tạo và tương quan giữa các phương thức. Tương tự, nếu một trường chọn nhiều tổ hợp xét tuyển cho cùng một ngành, họ phải đảm bảo khả năng đánh giá năng lực tương đương cho thí sinh.

z6636890367049_737572d11c95170335ef1178bf098774.jpg
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Ảnh minh họa).

Chính vì vậy, quy chế tuyển sinh yêu cầu các cơ sở đào tạo phải xây dựng quy tắc quy đổi tương đương để xác định điểm trúng tuyển hợp lý theo từng phương thức, tổ hợp xét tuyển. Điều này nhằm tránh tình trạng điểm trúng tuyển phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ tiêu phân bổ cho từng phương thức như các năm trước.

Về phương pháp bách phân vị trong quy đổi điểm, ông Dũng khẳng định khung quy đổi do Bộ GD&ĐT đưa ra là để hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở đào tạo xây dựng quy tắc quy đổi riêng, phù hợp với đặc điểm ngành đào tạo và đảm bảo cách tiếp cận thống nhất trong hệ thống. Khung này không nhằm mục đích để thí sinh tự quy đổi điểm. Bộ cũng yêu cầu các cơ sở tổ chức bài thi riêng phải tham gia cụ thể hóa các khung quy đổi này, phù hợp với đặc điểm từng bài thi và kết quả thi năm 2025.

Để đưa ra khung quy đổi chung, Bộ GD&ĐT đã thành lập tổ chuyên gia tư vấn gồm các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước về giáo dục, khảo thí, toán và thống kê, cùng những người có kinh nghiệm tuyển sinh. Tổ chuyên gia đã nghiên cứu sâu kinh nghiệm thế giới và các mô hình phân tích, thống kê. Trên cơ sở đó, phương pháp bách phân vị được đánh giá là phù hợp nhất hiện nay để quy đổi tương đương điểm trúng tuyển khi sử dụng nhiều loại điểm thi cho cùng một ngành/nhóm ngành đào tạo.

Bộ GD&ĐT khẳng định điểm học bạ ở THPT không phản ánh kết quả đánh giá trên một thang thống nhất toàn quốc, do đó việc xây dựng khung quy đổi chung cho học bạ là không có ý nghĩa. Tuy nhiên, Bộ sẽ công bố các số liệu thống kê về tương quan giữa điểm các môn thi tốt nghiệp THPT với điểm trung bình các môn học ở THPT.

Các cơ sở đào tạo sẽ căn cứ vào các số liệu thống kê này, đồng thời dựa vào dữ liệu riêng của trường (như tương quan giữa kết quả học tập với điểm đầu vào của người học được tuyển theo các phương thức khác nhau ở các năm trước) để xác định chênh lệch điểm trúng tuyển theo từng tổ hợp và phạm vi điểm.

Về lo ngại của thí sinh về việc "mỗi trường một phách" trong quy đổi điểm trước khi Bộ GD&ĐT công bố hướng dẫn, ông Dũng cho biết Bộ đã công bố khung quy đổi tương đương điểm trúng tuyển và ngưỡng đầu vào kèm theo hướng dẫn tuyển sinh năm 2025.

Theo đó, các cơ sở đào tạo có thể sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, nhưng việc xây dựng và công bố quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển phải dựa trên căn cứ khoa học và thực tiễn, bám sát hướng dẫn của Bộ. Trường hợp nào bất hợp lý hoặc chưa phù hợp, các trường sẽ phải điều chỉnh lại.

Ông nhấn mạnh rằng, công bằng trong xét tuyển là việc các thí sinh dự tuyển vào cùng một ngành/nhóm ngành của một cơ sở đào tạo được đối xử công bằng, trong đó có việc đảm bảo điểm trúng tuyển giữa các phương thức khác nhau là tương đương. Điều này không liên quan đến việc quy đổi điểm khác nhau giữa các trường, bởi vì các cơ sở đào tạo khác nhau sẽ có yêu cầu đầu vào khác nhau đối với kiến thức nền tảng của ngành học, và có thể có nguồn tuyển khác nhau.

Nguyễn Đoan