Đời sống văn hóa

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: ‘Vụ ngai vàng vua triều Nguyễn bị xâm hại phản ánh lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác bảo vệ và quản lý di sản’

Việt Trung (thực hiện) 25/05/2025 17:58

(CLO) Vụ việc ngai vàng vua triều Nguyễn ở Đại nội Huế bị đối tượng Hồ Văn Phương Tâm (Huế) xâm hại vào ngày 24/5 khiến một phần tỳ tay bị gãy là một cú sốc lớn, không chỉ đối với giới chuyên môn mà còn đối với những người yêu mến và trân trọng văn hoá, lịch sử dân tộc. Đồng thời, sự việc này còn phản ánh những lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác bảo vệ và quản lý di sản của Việt Nam hiện nay.

Xoay quanh vấn đề nóng này, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội để lắng nghe những phân tích chuyên sâu từ góc nhìn của nhà văn hoá về chính sách, đạo đức xã hội và công tác quản lý bảo vật quốc gia.

PV: Thưa PGS. TS Bùi Hoài Sơn, ông nhìn nhận như thế nào về vụ việc ngai vàng triều Nguyễn ở Đại nội Huế – một biểu tượng văn hóa quan trọng của quốc gia bị xâm hại ngay tại điểm trưng bày? Điều này phản ánh thực trạng gì trong công tác bảo vệ di sản hiện nay?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Vụ việc ngai vàng triều Nguyễn – một hiện vật vô giá gắn liền với lịch sử triều Nguyễn và Đại nội Huế bị đập phá, làm gãy phần bệ tỳ tay ngay trong không gian trưng bày của di tích quốc gia đặc biệt này, thực sự là một cú sốc, không chỉ đối với giới chuyên môn mà còn đối với những người yêu mến và trân trọng văn hóa, lịch sử dân tộc.

Tôi cảm thấy đau lòng và bất an. Đau lòng vì đó là một biểu tượng thiêng liêng, từng hiện diện trong các nghi lễ của triều đình, là một phần xác tín của chủ quyền, quốc thể và hồn cốt dân tộc. Bất an vì ngay giữa trung tâm của quần thể di sản được UNESCO công nhận – nơi đáng ra phải là không gian an toàn bậc nhất cho hiện vật, lại xảy ra một hành vi phá hoại nghiêm trọng đến vậy.

Ảnh màn hình 2025-05-25 lúc 15.52.42
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.

Sự việc này không chỉ là tai nạn đơn lẻ. Nó phản ánh những lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác bảo vệ và quản lý di sản hiện nay. Từ ý thức của người dân, sự tôn trọng giá trị lịch sử, đến hệ thống giám sát, cảnh báo và nhân lực trực bảo vệ – tất cả đều cần được xem xét lại một cách căn cơ. Chúng ta đang sống trong thời đại mà di sản không chỉ là những dấu tích xưa cũ để ngắm nhìn, mà là vốn quý để nuôi dưỡng lòng yêu nước, để giáo dục thế hệ trẻ và khẳng định bản sắc quốc gia trong dòng chảy toàn cầu hóa.

Nếu không bảo vệ được những biểu tượng như ngai vàng triều Nguyễn – chúng ta không chỉ mất đi một báu vật lịch sử, mà là đánh mất một phần ký ức tập thể, một phần căn cước văn hóa của cả dân tộc. Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại hệ thống bảo tồn, cần những giải pháp mạnh mẽ hơn, đầu tư bài bản hơn và một tinh thần trách nhiệm cao hơn từ các cơ quan quản lý, địa phương và cả cộng đồng. Di sản không thể tự bảo vệ mình – nó cần bàn tay, khối óc và trái tim của con người hôm nay.

PV: Theo ông, trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra tình trạng di tích, bảo vật quốc gia bị xâm phạm như vậy – từ khâu quản lý trực tiếp tại điểm trưng bày đến chính sách vĩ mô?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Trách nhiệm trong vụ việc đau lòng này – một bảo vật quốc gia bị xâm hại ngay tại nơi lẽ ra phải được bảo vệ nghiêm ngặt nhất – là trách nhiệm nhiều tầng, không thể quy về một cá nhân hay đơn vị cụ thể, mà cần nhìn nhận toàn diện, từ khâu trực tiếp đến những chính sách vĩ mô.

Trước hết, phải nói đến trách nhiệm tại chỗ, nơi trưng bày ngai vàng. Tại sao một hiện vật quan trọng đến vậy lại không được đặt trong không gian kính bảo vệ? Tại sao không có đủ nhân sự giám sát liên tục? Ở đây, rõ ràng đã có sự chủ quan, thiếu cảnh giác và chưa đánh giá đúng tầm quan trọng cũng như rủi ro có thể xảy ra đối với một di vật mang tầm quốc gia. Đây là lỗ hổng về quy trình, con người và công nghệ – những điều lẽ ra phải được chuẩn hóa từ lâu.

Nhưng sâu xa hơn, tôi cho rằng cần nhìn vào trách nhiệm của hệ thống – tức là trách nhiệm của chính sách văn hóa, bảo tồn hiện nay. Chúng ta đã nói rất nhiều về giá trị di sản, về phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng thực tế là đầu tư cho bảo tồn vẫn còn manh mún, chưa tương xứng với giá trị cần gìn giữ. Cơ chế phân cấp quản lý di sản, nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực cho bảo vệ hiện vật, hay việc chuẩn hóa các quy trình giám sát tất cả còn rời rạc, thiếu tính liên thông và chưa có một chiến lược dài hơi.

Và không thể không nhắc đến trách nhiệm của cộng đồng. Một xã hội chưa thực sự trân trọng giá trị lịch sử, chưa coi di sản là một phần của đời sống tinh thần thì những vụ việc như vậy rất dễ tái diễn. Di sản không thể chỉ được gìn giữ bằng dây thép gai hay camera, mà cần được bảo vệ bằng nhận thức, bằng giáo dục và một tinh thần văn hóa sống động trong mỗi công dân.

Do đó, với tư cách là một đại biểu Quốc hội, tôi cho rằng chúng ta cần một cuộc rà soát toàn diện về thể chế, nguồn lực và con người trong lĩnh vực bảo tồn di sản. Chúng ta không thể chỉ xót xa sau mỗi vụ việc, mà cần hành động dứt khoát để ngăn ngừa những bi kịch văn hóa như thế tiếp tục xảy ra. Di sản không thể chờ đợi, và lịch sử sẽ không bao giờ tha thứ nếu chúng ta lơ là trách nhiệm.

PV: Sự việc trên dường như không phải là cá biệt. Nhiều di sản đã bị xâm hại bởi sự thiếu ý thức của cá nhân và sự lỏng lẻo trong công tác bảo vệ. Ông đánh giá thế nào về cơ chế kiểm soát an ninh tại các bảo tàng, khu di tích trọng điểm hiện nay?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Đúng vậy, vụ việc liên quan đến ngai vàng triều Nguyễn không phải là trường hợp đơn lẻ, mà chỉ là phần "nổi của một tảng băng chìm" – nơi mà nhiều di sản khác cũng đang âm thầm bị xâm hại bởi sự vô ý thức của một số cá nhân và sự lỏng lẻo, thiếu đồng bộ trong công tác quản lý, bảo vệ.

Với tư cách là người theo sát lĩnh vực văn hóa, tôi thấy cơ chế kiểm soát an ninh tại nhiều bảo tàng, khu di tích trọng điểm hiện nay vẫn còn bất cập, vừa thiếu về thiết bị, công nghệ, vừa yếu về nhân lực và chưa đủ mạnh về ý thức trách nhiệm. Có những nơi, chỉ một vài nhân viên bảo vệ phải bao quát cả một khu di tích rộng lớn; có những hiện vật quý giá không được đặt trong lồng kính, không có cảm biến báo động, không có camera giám sát theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng ta nói rất nhiều về chuyển đổi số, về cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng tại nhiều điểm di sản – những nơi cần được ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại bậc nhất – thì vẫn đang phải “gồng mình” bằng những phương thức bảo vệ thô sơ của nhiều thập kỷ trước.

Không chỉ vậy, quy trình ứng phó khi xảy ra sự cố cũng còn quá chậm và thiếu chuyên nghiệp. Thay vì có những kịch bản xử lý được xây dựng từ trước, thì nhiều nơi vẫn phản ứng theo kiểu bị động, lúng túng. Điều này không chỉ khiến hiện vật bị tổn thương, mà còn làm mất lòng tin của công chúng, của du khách trong và ngoài nước đối với năng lực bảo tồn di sản của chúng ta.

Tôi cho rằng, đã đến lúc phải thiết lập một cơ chế kiểm soát an ninh di sản mang tính hệ thống, đồng bộ và có tính răn đe cao. Đó là việc áp dụng công nghệ giám sát thông minh, kết nối dữ liệu thời gian thực; là việc tuyển chọn, đào tạo lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, hiểu biết về di sản chứ không đơn thuần là “gác cổng”; là xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và đánh giá định kỳ về mức độ an toàn di sản. Không thể để một kho tàng văn hóa quý giá như của Việt Nam lại “mỏng manh” đến mức dễ bị tổn thương chỉ vì một phút lơ là hay một sơ suất nhỏ.

Ảnh màn hình 2025-05-25 lúc 15.53.46
Vụ việc ngai vàng vua triều Nguyễn bị đối tượng Hồ Văn Phương Tâm xâm hại khiến một phần tỳ tai bị gãy là một cú sốc, không chỉ đối với giới chuyên môn mà còn đối với những người yêu mến và trân trọng văn hóa, lịch sử dân tộc. Ảnh: Cắt từ clip

PV: Trong bối cảnh du lịch văn hóa đang phát triển mạnh, đặc biệt sau đại dịch COVID-19, làm thế nào để hài hòa giữa việc mở cửa phục vụ công chúng và việc bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các hiện vật, bảo vật, di tích?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Đây là một câu hỏi rất quan trọng, bởi nó chạm đến bản chất của một bài toán tưởng chừng nghịch lý nhưng lại vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay: Làm sao để vừa mở rộng cánh cửa di sản cho công chúng bước vào, lại vừa bảo vệ được sự nguyên vẹn, linh thiêng của di sản khỏi những nguy cơ tổn thương ngày càng gia tăng.

Sau đại dịch COVID-19, du lịch văn hóa đã nhanh chóng phục hồi và trở thành một xu hướng nổi bật, bởi con người sau biến cố toàn cầu càng khao khát kết nối lại với các giá trị sâu sắc, nguyên bản, thiêng liêng. Di sản chính là điểm đến của những kết nối ấy. Nhưng cũng chính vì nhu cầu quá lớn, lượng khách đổ về các điểm di tích, bảo tàng ngày càng đông, đã đặt ra áp lực rất lớn lên hạ tầng, công tác bảo vệ hiện vật và năng lực ứng phó của các cơ sở trưng bày.

Tôi cho rằng, để hài hòa giữa phục vụ công chúng và bảo vệ di sản, trước hết, cần thay đổi tư duy từ “mở cửa hoàn toàn” sang “mở cửa có kiểm soát thông minh”. Không phải càng đông khách càng tốt, mà là đón khách đúng cách, đúng lúc và đúng mức. Cần có quy hoạch dòng khách, giới hạn số lượng người vào theo khung giờ, và xây dựng trải nghiệm văn hóa theo hướng chiều sâu – tức là để công chúng thực sự hiểu, cảm và trân trọng di sản chứ không chỉ “check-in” rồi rời đi.

Thứ hai, phải áp dụng mạnh mẽ công nghệ trong bảo tồn và trưng bày. Những hiện vật đặc biệt quý giá nên được thay thế bằng bản sao trong không gian công cộng, còn bản gốc được lưu giữ trong điều kiện bảo vệ nghiêm ngặt. Những ứng dụng tương tác số, thực tế ảo, bản đồ thông minh có thể giúp du khách trải nghiệm trọn vẹn mà không cần tiếp xúc trực tiếp với hiện vật. Nhiều bảo tàng trên thế giới như Louvre (Pháp), British Museum (Anh), hay Bảo tàng Cố cung (Trung Quốc) đã đi trước rất xa trong việc kết hợp bảo vệ và chia sẻ di sản bằng công nghệ.

Thứ ba, chính sách cũng phải đồng hành. Cần có quy định bắt buộc các điểm di sản trọng yếu phải đạt các tiêu chuẩn an ninh, bảo vệ trước khi mở cửa đón khách. Song song đó là đầu tư cho lực lượng thuyết minh, hướng dẫn viên có kiến thức sâu, kỹ năng truyền cảm, để họ không chỉ “giới thiệu” mà còn “giáo dục” công chúng về tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản.

Và cuối cùng, chúng ta phải nuôi dưỡng một nền văn hóa ứng xử với di sản, từ nhà trường, gia đình cho đến cộng đồng. Khi mỗi người dân đều ý thức rằng: bước vào di tích là bước vào một không gian thiêng là chạm vào dòng chảy lịch sử của tổ tiên, thì khi đó, việc bảo vệ di sản không còn là trách nhiệm của một ngành, mà là bổn phận tự nhiên của cả một dân tộc.

Thứ tư, cần đưa vào các quy định pháp luật những yêu cầu bắt buộc về ứng dụng công nghệ bảo vệ di sản, từ hệ thống camera AI, quét nhận diện hành vi bất thường, đến hệ thống cảm biến môi trường và cảnh báo tự động. Công nghệ không thể là yếu tố phụ trợ, mà phải trở thành một thành phần cốt lõi trong chiến lược bảo vệ di sản.

Thêm vào đó, tôi cho rằng cần có một chiến lược quốc gia về an toàn di sản văn hóa, do Chính phủ chủ trì, với sự tham gia của các bộ ngành liên quan như Văn hóa, Công an, Công nghệ, Giáo dục... để bảo đảm tính liên ngành, liên thông và có khả năng huy động tổng lực xã hội. Khi pháp luật chặt chẽ, quy chuẩn rõ ràng, chế tài đủ mạnh và tinh thần trách nhiệm được nuôi dưỡng, chúng ta mới có thể tự tin rằng: di sản của cha ông sẽ được gìn giữ trọn vẹn cho thế hệ mai sau.

PV: Về mặt chính sách, theo ông, chúng ta cần điều chỉnh hoặc bổ sung gì trong hệ thống pháp luật và quy chuẩn chuyên môn để ngăn ngừa các hành vi xâm hại di sản văn hóa?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Về mặt chính sách, tôi cho rằng vụ việc xâm hại ngai vàng triều Nguyễn vừa qua là một tiếng chuông cảnh báo nghiêm khắc, buộc chúng ta phải rà soát và điều chỉnh một cách toàn diện hệ thống pháp luật và quy chuẩn chuyên môn liên quan đến bảo vệ di sản văn hóa. Không thể chỉ dừng lại ở việc xử lý hậu quả, mà cần nhìn xa hơn tới việc kiến tạo một hệ sinh thái pháp lý đủ mạnh, đủ bao trùm và đủ khả năng răn đe để ngăn ngừa mọi hành vi xâm hại ngay từ gốc rễ.

Thứ nhất, chúng ta cần cập nhật và hoàn thiện văn bản triển khai Luật Di sản văn hóa bằng các nghị định, thông tư theo hướng hiện đại hóa. Trong hơn hai thập kỷ qua, đời sống di sản đã thay đổi rất nhiều – cả về số lượng hiện vật, hình thức trưng bày, cách thức tiếp cận công chúng lẫn nguy cơ bị xâm hại. Vì vậy, những quy định pháp luật cũng cần được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với bối cảnh mới. Cần bổ sung các quy định cụ thể về tiêu chuẩn an ninh, điều kiện bảo quản, yêu cầu kỹ thuật trong không gian trưng bày hiện vật quý hiếm, đặc biệt là bảo vật quốc gia và di sản được xếp hạng đặc biệt.

Thứ hai, cần xây dựng và ban hành hệ thống quy chuẩn kỹ thuật chuyên biệt cho bảo vệ di sản tương tự như các ngành khác như y tế, xây dựng hay giao thông. Các bảo vật quốc gia không thể được trưng bày theo cảm tính hay chỉ bằng kinh nghiệm cá nhân, mà phải có những bộ tiêu chí rõ ràng: dùng kính cường lực hay không, có cảm biến cảnh báo không, bao nhiêu lớp bảo vệ là đủ, nhiệt độ, ánh sáng ra sao, tần suất kiểm tra như thế nào... Đây là những chuẩn mực cần được thể chế hóa và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Thứ ba, cần nâng cao chế tài xử lý vi phạm. Hiện nay, mức xử phạt với các hành vi xâm hại di sản vẫn còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Chúng ta cần tính đến việc tăng nặng hình phạt với các hành vi cố ý, lập lại nhiều lần hoặc gây tổn thất không thể phục hồi đối với di sản. Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan quản lý khi để xảy ra sự cố để từ đó hình thành một cơ chế kiểm soát có trách nhiệm, không để "cha chung không ai khóc".

PV: Bài học lớn nhất từ vụ việc lần này là gì, và theo ông, điều gì cần phải làm ngay để tránh lặp lại những tổn thất không thể khắc phục đối với di sản văn hóa dân tộc?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Bài học lớn nhất từ vụ việc xâm hại ngai vàng triều Nguyễn – một biểu tượng uy nghi của vương quyền, một chứng tích lịch sử vô giá chính là lời nhắc nhở cay đắng rằng: chúng ta đã từng chủ quan với quá khứ.

Trong khi thế giới đang ngày càng nâng niu từng mảnh vỡ gốm sứ, từng trang tư liệu cổ, thì chúng ta vẫn để một báu vật quốc gia bị đập phá ngay giữa trung tâm của một di sản thế giới. Đây không chỉ là một tổn thất vật chất, mà còn là sự chấn động về tinh thần, về ý thức văn hóa và trách nhiệm cộng đồng.

Bài học ở đây là: không một di sản nào là bất khả xâm phạm nếu chúng ta buông lỏng quản lý, và không một bảo vật nào là bất tử nếu bị đặt vào môi trường thiếu tôn trọng và thiếu hiểu biết. Di sản không thể tồn tại trong một xã hội thờ ơ với lịch sử, hay trong một hệ thống quản lý còn nhiều kẽ hở và thiếu sự chuẩn mực.

PV: Vậy, điều gì cần làm ngay để tránh lặp lại những mất mát đau lòng như vậy?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Thứ nhất, phải rà soát khẩn cấp toàn bộ các điểm trưng bày hiện vật có giá trị đặc biệt trên toàn quốc, từ các bảo vật quốc gia đến các di sản được xếp hạng, để đánh giá mức độ an toàn, xác lập lại quy trình bảo vệ, và có biện pháp nâng cấp kịp thời. Đây là việc không thể chậm trễ, bởi mỗi ngày trôi qua trong sự lơ là, là một ngày di sản có thể bị tổn thương.

Thứ hai, phải xây dựng một cơ chế phản ứng nhanh khi xảy ra sự cố với di sản, bao gồm quy trình phối hợp giữa các cấp quản lý, quy định rõ vai trò của lực lượng an ninh, bảo vệ, công nghệ hỗ trợ và truyền thông. Cần hành động quyết liệt, minh bạch và có tính răn đe cao để củng cố lại niềm tin của nhân dân.

Thứ ba, phải khởi động ngay một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ di sản, nhất là trong bối cảnh lượng khách du lịch trong và ngoài nước ngày càng tăng. Giáo dục về di sản phải bắt đầu từ nhà trường, lan tỏa đến mỗi gia đình, và trở thành nét văn hóa ứng xử trong đời sống hàng ngày.

Và tôi nghĩ, bài học lớn nhất vẫn là: bảo vệ di sản không thể chờ đợi, không thể là việc của riêng ngành văn hóa, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của từng người dân Việt Nam. Chúng ta không thể tự hào về một nền văn hóa rực rỡ nếu không đủ khả năng giữ gìn những minh chứng của quá khứ. Và chúng ta cũng không thể hướng tới tương lai nếu vẫn để những biểu tượng thiêng liêng của dân tộc nằm lại trong sự hối tiếc muộn màng.

Tôi tin rằng, nếu biến bài học này thành hành động cụ thể, bằng chính sách mạnh mẽ, bằng sự tỉnh thức của mỗi người dân và sự quyết tâm của cả bộ máy, thì chúng ta không chỉ bảo vệ được di sản, mà còn gìn giữ được hồn cốt của dân tộc giữa dòng chảy thời đại.

PV: Với vai trò là Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ông có đề xuất cụ thể nào nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ di sản trong thời gian tới?

PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta không thể chỉ dừng lại ở những lời cảnh tỉnh sau mỗi vụ việc, mà cần có những hành động cụ thể, quyết liệt và mang tính hệ thống để bảo vệ di sản một cách thực chất, bền vững. Trách nhiệm của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Văn hóa và Xã hội, là tạo ra khuôn khổ pháp lý và giám sát việc thực thi chính sách – nhưng sâu xa hơn, đó còn là sứ mệnh gìn giữ linh hồn dân tộc thông qua việc bảo vệ những giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời.

Tôi xin kiến nghị một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, sớm ban hành các văn bản pháp luật như nghị định, thông tư, để hướng dẫn Luật Di sản văn hóa (sửa đổi 2024) theo hướng hiện đại hóa, chuyên sâu và thực tiễn hơn. Cần bổ sung các quy định làm rõ tiêu chuẩn kỹ thuật trong trưng bày, bảo quản, ứng dụng công nghệ, cũng như chế tài đủ mạnh để răn đe các hành vi xâm hại. Quy định không thể chung chung hay mang tính biểu tượng – mà phải là công cụ thực sự hiệu quả trong bảo vệ hiện vật, bảo vật, và toàn bộ không gian di sản.

Ảnh màn hình 2025-05-25 lúc 16.02.51
Hình ảnh tỳ tay của ngai vàng vua triều Nguyễn bị gãy. Ảnh: MXH

Thứ hai, kiến nghị Chính phủ xây dựng và triển khai “Chiến lược quốc gia về an toàn di sản văn hóa” với tầm nhìn dài hạn, phân công rõ vai trò của các bộ, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của toàn xã hội. Trong đó, cần có cơ chế đầu tư ngân sách nhà nước cho các hạng mục như số hóa di sản, lắp đặt hệ thống giám sát thông minh, đào tạo đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp và ứng cứu khẩn cấp khi xảy ra sự cố.

Thứ ba, kiến nghị tích hợp nội dung giáo dục về di sản vào chương trình học phổ thông và đại học. Việc bảo vệ di sản không thể chỉ dựa vào lực lượng bảo vệ hay cán bộ ngành văn hóa, mà phải bắt đầu từ ý thức của từng người dân – đặc biệt là thế hệ trẻ. Khi các em hiểu và yêu di sản, các em sẽ biết trân trọng, gìn giữ và lan tỏa giá trị đó một cách tự nhiên.

Thứ tư, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ di sản tại các địa phương, đặc biệt tại những điểm di tích, bảo tàng trọng điểm quốc gia.

Thứ năm, thúc đẩy mô hình hợp tác công – tư trong bảo tồn di sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức xã hội cùng tham gia, đồng thời ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực bảo tồn như miễn giảm thuế, hỗ trợ hạ tầng, quảng bá hình ảnh...

Và cuối cùng, tôi cho rằng, trong thời đại chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc bảo vệ di sản không chỉ là bảo vệ quá khứ – mà còn là đầu tư cho tương lai. Di sản là nền tảng bản sắc, là nguồn lực phát triển, là điểm tựa tinh thần cho dân tộc. Nếu chúng ta để di sản mai một – thì không một chiến lược phát triển nào còn mang tính bền vững.

- Xin cảm ơn ông!

Việt Trung (thực hiện)