Ngai vàng triều Nguyễn: Một cú trèo, ba đoạn gãy và vô số câu hỏi
(CLO) Ngai vàng triều Nguyễn – biểu tượng tối thượng của quyền lực phong kiến Việt Nam, bảo vật quốc gia được gìn giữ giữa chính điện Thái Hòa, Đại nội Huế – vừa bị một người đàn ông "ngáo đá" ngồi lên, bẻ gãy nhiều bộ phận. Cảnh tượng đau lòng ấy diễn ra ngay giữa ban ngày, trước mắt du khách, trong khi lực lượng bảo vệ chỉ kịp có mặt… sau khi sự đã rồi.
Chuyện thật như đùa, nhưng chẳng ai cười nổi.
.jpg)
Di sản trăm năm, bị phá trong vài phút
Ngày 24/5, một người đàn ông được cho là ngáo đá đã "đi xuyên" hàng rào bảo vệ, leo thẳng lên ngai vàng, thỏa thích đập phá một bảo vật quốc gia - di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận - giữa chốn linh thiêng rồi mới bị ngăn chặn, khống chế. Trong khi đó, theo lời Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thời điểm xảy ra vụ việc có hai bảo vệ đang canh trực.
Xem lại các video và diễn biến câu chuyện, nhiều người rất bức xúc về sự cố vô cùng đáng tiếc này. Nhiều vấn đề nổi cộm được đặt ra:
Hai người bảo vệ này đã ở đâu khi một đối tượng lạ mặt, có biểu hiện bất thường, trèo lên một hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia và đập phá trước mặt bao người? Camera giám sát để làm gì? Còi báo động đâu? Lúc nào thì hệ thống bảo vệ mới làm đúng vai trò của nó?
Trên mạng xã hội và các diễn đàn, không ít bình luận bày tỏ sự giận dữ, thẳng thắn cho rằng lực lượng bảo vệ tại di tích "có cũng như không", “Trói gà không chặt mà giao giữ bảo vật à?”. Một số khác bày tỏ sự xót xa khi chứng kiến những di sản được gìn giữ cả trăm năm, vượt qua chiến tranh, thiên tai… lại bị tổn hại bởi sự lơ là của con người hôm nay, “Di tích vài trăm năm, bị phá trong vài phút!”.
Đó không chỉ là những lời phẫn nộ nhất thời. Mà là nỗi đau từ một câu hỏi lớn hơn: "Chúng ta đang thật sự đối xử với di sản như thế nào?"
Di sản không thể tự bảo vệ mình. Những cổ vật, ngai vàng, bảo vật quốc gia… đều không biết kêu cứu. Chúng chỉ biết đau, rất đau, khi bị chạm vào, đập phá, không phải bằng những cú đánh, mà bằng sự thiếu trách nhiệm.
Bảo vệ hiện vật hay chỉ “canh gác thời gian”?
Có nhà sử học từng chia sẻ rằng: “Di sản là một phần máu thịt của lịch sử, không được tái tạo nếu mất đi”. Những thứ như ngai vàng, sắc phong, tượng đá, bức hoành phi… không có bản sao. Khi một chi tiết bị gãy, một vết xước xuất hiện thì đó là vết thương của cả lịch sử.
Tuy nhiên nhiều năm qua, lực lượng bảo vệ di tích ở nhiều nơi vẫn bị xem nhẹ, được tuyển chọn chủ yếu với yêu cầu “có mặt là được”, và hoạt động mang tính hình thức. Không được đào tạo về ứng xử với khách, về phát hiện dấu hiệu bất thường, càng không có kỹ năng phản ứng nhanh với tình huống nguy hiểm.
Có nơi, nhân viên bảo vệ ngồi cả buổi với chiếc ghế nhựa, mắt không rời khỏi... điện thoại. Có người lại nghĩ mình đang trông coi kho hàng, chứ không phải một phần linh hồn văn hóa dân tộc.
Đúng là đối tượng phá hoại có biểu hiện ngáo đá, hành vi manh động. Nhưng câu hỏi đặt ra là: một di tích quốc gia, nơi đặt hiện vật độc bản tại sao không có giải pháp bảo vệ chặt chẽ hơn? Tại sao không lắp đạt Camera giám sát? Cảnh báo tự động? Hàng rào như thế nào mà trèo cái là lên tận ngai vàng? Hai bảo vệ mà để một người ngáo đá “làm chủ” ngai vàng giữa thanh thiên bạch nhật?
Câu chuyện tại điện Thái Hòa lần này là một bài học đắt giá: bảo vệ di tích không thể là công việc “giữ cho có”, mà phải là giữ bằng cả nhận thức, kỹ năng và tinh thần trách nhiệm.
Đây cũng là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc không chỉ với riêng điện Thái Hòa, mà với mọi nơi đang lưu giữ ký ức lịch sử dân tộc: các bảo tàng, đền thờ, nhà tưởng niệm… Đừng để những hiện vật vô giá nằm đó như những “ông già ngủ gật”, phó mặc số phận cho lòng người.
Có cần một “Luật bảo vệ bảo vật”?
Ở nhiều nước, các khu di sản, bảo tàng lớn đều có quy trình bảo vệ nghiêm ngặt. Ở Pháp, bảo tàng Louvre nơi đặt bức tranh Mona Lisa, không chỉ có lớp kính chống đạn mà còn có đội bảo vệ phản ứng nhanh được đào tạo chuyên nghiệp. Ở Nhật Bản, những đền chùa cổ đều bố trí nhân viên hướng dẫn am hiểu văn hóa, sẵn sàng xử lý tình huống thay vì “trông cho hết ca”.
Còn ở ta, nhiều bảo tàng và di tích quốc gia vẫn đang “đứng chờ sự cố” xảy ra mới đi tìm cách sửa. Câu hỏi đặt ra lúc này là, với hàng ngàn hiện vật quý đang trưng bày trên khắp cả nước, liệu có bao nhiêu phần trăm trong số đó được bảo vệ đúng nghĩa?
Có lẽ, đã đến lúc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn về quản lý và bảo vệ bảo vật, trong đó yêu cầu nghiêm ngặt hơn với lực lượng trực tiếp canh giữ di sản. Đồng thời cần mạnh dạn xã hội hóa, huy động công nghệ (AI giám sát, cảnh báo tự động, phản ứng nhanh), thay cho việc phó mặc vài nhân viên ngồi ghế nhựa giữa trưa nắng.
Hậu sự cố: xin đừng chỉ "rút kinh nghiệm”
.jpg)
Sau sự việc đau lòng này, rất có thể sẽ có những bản báo cáo dài, những cuộc họp “nghiêm túc kiểm điểm”, những lời hứa “sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc”. Nhưng xin đừng để ngai vàng bị gãy rồi ta mới nghĩ đến chuyện dựng lại.
Bởi ngai vàng có thể sửa, nhưng niềm tin vào cách chúng ta gìn giữ di sản, một khi đã vỡ, thì khó mà hàn gắn.
Chúng ta đã từng ngậm ngùi trước những pho tượng cổ bị trộm mất đầu, những sắc phong bị đánh cắp, những cổ vật bị làm giả tráo đổi… Và giờ là ngai vàng bị ngồi lên, đập gãy.
Nếu chúng ta thật sự xem di sản là một phần của tổ quốc, thì hãy bảo vệ nó bằng cách của người có trí, có tâm, và có trách nhiệm. Nếu không, mai đây, chuyện “ngồi lên ngai vàng” sẽ không còn là cú sốc, mà chỉ là khởi đầu cho một loạt mất mát có thể dự báo trước, hay chương tiếp theo trong chuỗi bi hài kịch về… “bảo vật bị bảo vệ lơ là”.