Tụ điểm giải trí mang tính biểu tượng ở Singapore đóng cửa sau 86 năm hoạt động
(CLO) Một trong những điểm đến ẩm thực và giải trí được yêu thích nhất tại trung tâm Singapore, "1939 Singapore" sẽ chính thức đóng cửa vào ngày 31/5 tới, khép lại hành trình 86 năm gắn bó với thành phố này.
Nằm tại số 36 đường Keong Saik, tuyến phố sầm uất trong khu Chinatown – tòa nhà shophouse phong cách Art Deco từ năm 1939 từng là nơi đặt Tong Ah Eating House, một quán cà phê phục vụ món truyền thống của Singapore trong suốt 74 năm.
Sau khi Tong Ah dời đi vào năm 2013, địa điểm này được “hồi sinh” dưới tên gọi Potato Head Singapore vào năm 2014, do tập đoàn PTT Family từ Bali điều hành. Không gian đa tầng này gây ấn tượng với thiết kế nghệ thuật của nghệ sĩ người Australia David Bromley, gồm quán burger Three Buns ở tầng trệt, Studio 1939 cocktail bar trên tầng ba và quán bar sân thượng sôi động.

Tháng 11/2024, nhằm tôn vinh di sản lịch sử của công trình, địa điểm được đổi tên thành "1939 Singapore". Với thương hiệu mới, nơi đây vẫn duy trì mô hình ẩm thực – giải trí bốn tầng: Three Buns, The Restaurant, Studio 1939 và The Rooftop Bar. Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau, thương hiệu này bất ngờ thông báo đóng cửa vĩnh viễn, dù không đưa ra lý do cụ thể.
Trên Instagram, "1939 Singapore" chia sẻ thông điệp chia tay đầy cảm xúc: “1939 không chỉ là một quán bar, một căn bếp hay một sân thượng. Đó là nơi lưu giữ kỷ niệm, nơi những chiếc burger được thưởng thức, ly cocktail được cụng nhau và vô vàn đêm không thể nào quên – tất cả là nhờ các bạn”.
Địa điểm này cũng kêu gọi thực khách đến trải nghiệm trong những ngày cuối cùng: “Cảm ơn bạn đã là một phần trong câu chuyện của chúng tôi. Hãy cùng biến tháng cuối này trở thành huyền thoại”.
Việc đóng cửa của "1939 Singapore" nằm trong làn sóng các cơ sở ăn uống ở “đảo quốc sư tử” buộc phải ngừng hoạt động trong bối cảnh chi phí vận hành leo thang và sức mua người tiêu dùng suy giảm. Theo Reuters, từ đầu năm 2025, trung bình mỗi tháng có tới 307 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Singapore đóng cửa – tăng mạnh so với con số 254 trong năm 2024 và khoảng 230 trong hai năm trước đó.
Thêm vào đó, Singapore hiện đang là thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ thứ hai thế giới đối với người nước ngoài, chỉ sau Hong Kong – theo khảo sát do công ty tư vấn Mỹ Mercer công bố năm ngoái.
Dù "1939 Singapore" sắp trở thành dĩ vãng, nhưng di sản mà không gian này để lại từ ký ức ẩm thực cho đến vai trò như một điểm hẹn về đêm suốt nhiều thế hệ sẽ vẫn là một phần không thể quên của bức tranh văn hóa đô thị Singapore.