Bất động sản công nghiệp chờ cú hích FDI sau cú 'phanh' từ chính sách thuế Mỹ
(CLO) Trong trung, dài hạn, ngành khu công nghiệp vẫn có triển vọng tích cực nhờ cấu trúc FDI bền vững, lợi thế cạnh tranh dài hạn của Việt Nam và định giá cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong thời gian qua, các bất động sản khu công nghiệp có quy mô lớn được chấp thuận chủ trương đầu tư, hứa hẹn mở ra một năm bùng nổ phân khúc này.
Một số dự án đã ra mắt, như dự án WHA Industrial Zone 2 – Nghệ An thuộc Khu công nghiệp Nam Cấm D với diện tích hơn 183 ha; Khu công nghiệp Hòa Ninh thuộc xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng với diện tích hơn 400 ha; Dự án Nomura giai đoạn 2 (Hải Phòng) với quy mô hơn 197 ha; khu công nghiệp Phú Xuân (Đắk Lắk) với quy mô 313 ha và khu công nghiệp Vĩnh Thành (giai đoạn 2) với quy mô hơn 540ha.

Giá thuê bất động sản trong quý 1/2025 không có nhiều biến động, một số khu vực có mức tăng nhẹ 1-2%. Trong đó tại khu vực miền Bắc, giá thuê đất khu trung bình khoảng 3,6 triệu - 3,76 triệu đồng/m2.
Giá cho thuê nhà xưởng xây sẵn tại một số khu công nghiệp như sau: Tại khu công nghiệp Từ Liêm, Hà Nội có giá cho thuê khoảng 150.000 đồng/m2/tháng; Khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè có giá cho thuê khoảng 160.000 đồng/m2/tháng; KCN Cát Lái, phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, TP HCM có giá cho thuê từ 130.000 đồng/m2/tháng.
Trong khi đó, KCN Bến Cát (Bình Dương) có giá cho thuê từ 90.000 đồng/m2/tháng; KCN Tràng Duệ (Hải Phòng) có giá cho thuê từ 130.000 đồng/m2/tháng; Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Hải Phòng có giá cho thuê từ 130 nghìn đồng/m2/tháng…
Mặc dù vậy, trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia có thặng dư thương mại lớn, với Việt Nam nằm trong nhóm chịu mức thuế cao nhất (lên đến 46%), dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại, ảnh hưởng trực tiếp tới triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của ngành khu công nghiệp.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tốc độ chào thuê đất tại các khu công nghiệp đang chậm lại do nhiều doanh nghiệp FDI tạm hoãn kế hoạch mở rộng đầu tư.
BVSC giữ quan điểm trung lập trong ngắn hạn, do ảnh hưởng của chính sách thuế và tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong trung, dài hạn, ngành khu công nghiệp vẫn có triển vọng tích cực nhờ cấu trúc FDI bền vững, lợi thế cạnh tranh dài hạn của Việt Nam và định giá cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI lớn như Apple, Foxconn, Luxshare, Goertek vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam, do nước ta đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghệ cao. Trong khi đó, các ngành chịu thuế cao hơn như dệt may, da giày đang có xu hướng dịch chuyển một phần sang các quốc gia chi phí thấp hơn như Ấn Độ hay Bangladesh.
Tuy vậy, thay vì rút lui hoàn toàn, phần lớn doanh nghiệp FDI vẫn duy trì hiện diện tại Việt Nam để phục vụ các dòng sản phẩm ít chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế. Hành động này cho thấy sự linh hoạt trong chiến lược đa dạng hóa rủi ro, đồng thời khẳng định vai trò của Việt Nam là mắt xích khó thay thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu.