Sau sáp nhập tỉnh, bộ máy ngành nông nghiệp – môi trường sẽ vận hành thế nào?
(CLO) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, định hướng sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và môi trường ở địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình chính quyền địa phương hai cấp và phù hợp với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính của Trung ương.
Kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở Nông nghiệp và Môi trường
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương trong quá trình xây dựng và trình đề án sắp xếp đơn vị hành chính cần quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và môi trường thuộc UBND cấp tỉnh, cấp xã, bảo đảm vận hành ổn định, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Việc sắp xếp tổ chức phải bám sát định hướng chung và các quy định của pháp luật chuyên ngành, đồng thời phù hợp với chức năng quản lý nhà nước theo Nghị định số 35/2025/NĐ-CP ngày 25/02/2025 của Chính phủ.
Cụ thể, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Nông nghiệp và Môi trường cấp tỉnh sẽ kế thừa từ các sở chuyên ngành hiện nay, đồng thời phải tương ứng với chức năng quản lý nhà nước cấp bộ. Tại cấp xã, các phòng chuyên môn như Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị sẽ tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp, môi trường theo định hướng của Ban Chỉ đạo tại Công văn số 03/CV-BCĐ và pháp luật chuyên ngành.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, thời gian qua Bộ đã thực hiện phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong thời gian tới, việc phân cấp sẽ tiếp tục được rà soát, hoàn thiện theo hướng triệt để hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp và việc hợp nhất các tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025, nhiều nhiệm vụ hiện thuộc thẩm quyền cấp huyện sẽ được chuyển giao lên cấp tỉnh hoặc Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Ngoài ra, theo đề án tổ chức lại hệ thống thanh tra, các sở không còn tổ chức thanh tra riêng nhưng vẫn giữ chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Do đó, khối lượng công việc của Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tăng lên đáng kể, nhất là các nhiệm vụ đòi hỏi xử lý trực tiếp tại cơ sở. Điều này đòi hỏi tổ chức bộ máy phải được kiện toàn, củng cố mạnh mẽ.
Sắp xếp chi cục, trạm, hạt theo hướng tinh gọn, hiệu quả
Bộ cũng đề xuất các địa phương sắp xếp, tổ chức lại các chi cục chuyên ngành trực thuộc Sở, đồng thời bố trí các hạt, trạm chuyên môn theo khu vực liên xã để thực hiện các nhiệm vụ quản lý, thực thi pháp luật tại địa bàn.
Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm, đối tượng quản lý phức tạp như trồng trọt, chăn nuôi, kiểm lâm, thủy sản, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thủy lợi...
Tuy nhiên, không bắt buộc tất cả các tỉnh, thành phố đều phải tổ chức chi cục, trạm, hạt cho mọi lĩnh vực. Việc thành lập phải căn cứ vào đặc điểm, quy mô, nhu cầu quản lý thực tế của từng địa phương để bảo đảm hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.
Tổ chức lại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai theo cấp xã hoặc liên xã
Một nội dung quan trọng khác được Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề cập là việc kiện toàn hệ thống thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai. Cụ thể, các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện sẽ được sắp xếp lại, đặt tại các đơn vị hành chính cấp xã hoặc cụm xã, phường, thị trấn. Mục tiêu là tăng cường hiệu quả công tác đăng ký đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Đối với Tổ chức phát triển quỹ đất, việc kiện toàn sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và định hướng tại Công văn số 03/CV-BCĐ. Các tổ chức này có trách nhiệm quản lý, khai thác quỹ đất, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí đủ biên chế và các điều kiện cần thiết khác cho các cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và môi trường ở cả cấp tỉnh và cấp xã, tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù quản lý của từng địa phương.
Việc kiện toàn tổ chức bộ máy ngành nông nghiệp và môi trường theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả không chỉ bảo đảm thực thi tốt chức năng quản lý nhà nước mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng bộ máy chính quyền hai cấp hiện đại, hoạt động thông suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.