Giá vàng hôm nay 'bốc hơi' 1 triệu đồng/lượng
(CLO) Sáng nay (26/5), giá vàng trong nước giảm 1 triệu đồng/lượng. Trên thế giới, giá vàng đang giảm với biên độ 10 USD/ounce.
Mở cửa thị trường vàng trong nước sáng nay, giá vàng miếng SJC niêm yết giao dịch ở mức 117 triệu đồng/lượng (mua vào) - 120 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 2 triệu đồng/lượng (chiều mua) và 1 triệu đồng/lượng (chiều bán) so với cuối tuần trước.
Giá vàng nhẫn cũng đi xuống. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 112 triệu đồng/lượng (mua vào) -115 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm1,5 triệu đồng/lượng (chiều mua) và 1 triệu đồng/lượng (chiều bán) so với chốt phiên cuối tuần qua.

Tập đoàn Phú Quý giảm 500.000 đồng/lượng mỗi chiều, đưa giá vàng nhẫn xuống mức 112,5 triệu đồng/lượng (mua vào) - 115,5 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng giảm mỗi chiều 1,5 triệu đồng/lượng và 1 triệu đồng/lượng, xuống mức 112 triệu đồng/lượng và 115 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, lúc hơn 9h sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay qua niêm yết của Kitco.com có biên độ giảm gần 10 USD, giao dịch ở mức 3.349 USD/ounce. Với các mức giá này, giá vàng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới quy đổi trên 14 triệu đồng/lượng.
Hai cuộc khảo sát của hãng Kitco về giá vàng trong tuần này đa số dự báo giá tăng. Theo cuộc khảo sát với sự tham gia của 16 chuyên gia, 13 người cho rằng giá sẽ tăng trong khi 3 người khác nghĩ giá giảm.
Cuộc khảo sát qua mạng với sự tham gia của 245 nhà bán lẻ cho thấy, 63% đưa quan điểm giá tăng, 21% nhìn nhận giá giảm, số còn lại dự báo giá đi ngang.
Chiều 24/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp về tình hình thị trường vàng.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, thị trường vàng nổi lên vấn đề chênh lệch giá; một số động thái của các doanh nghiệp tham gia thị trường vàng có tính thao túng, găm hàng, đội giá; có buôn lậu; quản lý còn có lúc, có nơi lỏng lẻo, chưa phù hợp với kinh tế thị trường, điều kiện thực tế và diễn biến tình hình.
Thủ tướng yêu cầu có giải pháp tăng cung và giảm cầu. Theo đó, tăng cung là không để độc quyền; cho nhiều doanh nghiệp cùng kinh doanh và giảm cầu; sử dụng các biện pháp tài khóa, thuế, phí, lệ phí; quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu vàng; ngăn chặn các phần tử thao túng, găm hàng, đội giá, làm lũng đoạn thị trường; sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hình thức rút gọn để phù hợp tình hình; rà soát cơ sở dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường vàng, hoàn thành trong tháng 6/2025.
Về lâu dài, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, hấp dẫn, để người dân tham gia kinh doanh, khởi nghiệp thay vì dự trữ vàng; nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng theo hướng người dân được tự do giao dịch, mua bán; tách bạch quản lý nhà nước và kinh doanh vàng...