Sức khỏe

Chủ động bảo vệ trẻ khi ca mắc COVID-19, gia tăng tại Hà Nội

Nam Nguyên 26/05/2025 12:56

(CLO) Thời gian gần đây số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng ở Hà Nội, ghi nhận nhiều ca mắc ở trẻ nhỏ, vì vậy cha mẹ cần lưu ý bảo vệ con trước dịch bệnh.

Xuất hiện nhiều ca mắc COVID-19 ở trẻ nhỏ

Theo ghi nhận của phóng viên báo Nhà báo và Công luận tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, trong tuần gần đây, số trẻ mắc COVID-19 đến khám và nhập viện gia tăng nhanh. Có ngày cao điểm, Bệnh viện ghi nhận tới 24 ca mắc COVID-19.

TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết: “COVID-19 đã được xếp vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B. Tuy nhiên, từ tháng 5, chúng tôi đã nhận thấy số ca mắc xuất hiện rải rác, có xu hướng tăng dần trong những ngày gần đây. Các ca vào viện chủ yếu với các biểu hiện như: Viêm phổi mức độ trung bình, chưa có ca quá nặng đến mức phải thở máy; trẻ thường sốt cao, ho kéo dài…”

Theo TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, COVID-19 chưa biến mất và đang âm thầm quay trở lại, người dân cần cảnh giác. Đặc biệt, trẻ nhỏ là nhóm nguy cơ cao mắc bệnh do hệ miễn dịch yếu và dễ bị biến chứng. Các bậc phụ huynh không nên mất cảnh giác trong việc phòng bệnh cho trẻ. Đáng chú ý, trẻ mắc COVID-19 có nhiều dấu hiệu dễ nhầm với cảm cúm thông thường nên cha mẹ cần theo dõi nếu các các dấu hiệu bất thường kéo dài.

dscf2913(1).jpg
Xuất hiện nhiều bệnh nhi nhỏ tuổi mắc COVID-19.

Ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn số ca mắc COVID-19 ở trẻ nhỏ vẫn ở mức cao, ít ca bệnh nặng và biến chứng. Theo BS. Nghiêm Thị Mai Sang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Thời gian gần đây, tại khoa Nhi đã ghi nhận số trẻ mắc COVID-19 gia tăng những ngày gần đây. Khoa đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19; trong đó có một số trường hợp là trẻ sơ sinh, phải nhập viện điều trị. Đặc biệt, ở các trẻ nhỏ thường có biểu hiện bệnh như ngạt mũi, ho, viêm phổi, ăn uống kém…”.

Theo BS. Nghiêm Thị Mai Sang thì COVID-19 là bệnh do virus gây ra, lây nhiễm ở cả trẻ em và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đặc biệt, với COVID-19, những bệnh nhi nhỏ dưới 3 tháng tuổi mắc bệnh nên được nhập viện điều trị; khi trẻ có dấu hiệu sốt nên được test để phát hiện bệnh để được theo dõi, điều trị. Với những trẻ lớn hơn, nếu không có dấu hiệu nặng thì có thể điều trị ngoại trú, theo dõi tại nhà; nếu có dấu hiệu nặng lên mới phải vào bệnh viện.

Dự báo về tình trạng dịch bệnh trong thời gian sắp tới BS. Nghiêm Thị Mai Sang thông tin: “Không chỉ riêng COVID-19 mà số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng… có xu hướng gia tăng trong thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao. Bệnh viện đã lập các khu cách ly riêng biệt cho từng nhóm bệnh nhằm đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân”.

Chủ động phòng chống dịch

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 16 đến 23/5, thành phố đã ghi nhận 155 ca mắc Covid-19, tăng đáng kể so với tuần trước.

Như vậy, tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 192 ca. Dù chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào, song Hà Nội hiện là một trong những địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng rải rác trong cộng đồng.

CDC Hà Nội khuyến cáo người dân cần chủ động tiêm vacxin đầy đủ, giữ gìn vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Các địa phương cũng được yêu cầu tăng cường nguồn lực, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, không để dịch lan rộng trong cộng đồng.

dscf3008(1).jpg
Nguy cơ lây lan của biến thể XEC chủng Omicron tại Việt Nam.

Bộ Y tế cũng đã đưa ra cảnh báo nguy cơ lây lan của biến thể XEC chủng Omicron tại Việt Nam. Dự báo thời gian tới, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội có thể tiếp tục gia tăng liên quan tới biến thể XEC.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động phòng, chống dịch, nhưng không nên quá hoang mang. Để chủ động phòng, chống bệnh COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp như đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết). Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.

Đặc biệt, khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…

Người dân đến và về từ các nước có số ca mắc COVID-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống COVID-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với WHO theo dõi chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.

Nam Nguyên