Dự án - Đầu tư

Xoá bỏ thủ tục cấp phép xây dựng: Cần thiết và cấp bách

An Vũ 26/05/2025 15:09

(CLO) Việc bỏ cấp giấy phép xây dựng sẽ giúp người dân bỏ đi được rất nhiều thủ tục phiền hà, đỡ tốn một khoản chi phí, đỡ tốn thời gian và hạn chế nhiều tiêu cực.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cương quyết cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, trong đó có thủ tục cấp phép xây dựng. Chỉ đạo này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng đất của người dân đã có quyền sử dụng nên họ có quyền xây dựng. Không chỉ vậy, mảnh đất đã được quy hoạch chi tiết về chiều cao, tỷ lệ cây xanh, mật độ xây dựng, khoảng cách giữa các nhà với nhau, khoảng cách với vỉa hè. Tất cả đã có quy định nên không việc gì phải đi xin giấy phép xây dựng. UBND xã phường phải đi kiểm tra xem người dân có xây đúng không.

cm.jpg
Việc bỏ cấp giấy phép xây dựng sẽ giúp người dân bỏ đi được rất nhiều thủ tục phiền hà (Ảnh minh họa).

Thực tiễn hiện nay cho thấy thủ tục cấp phép xây dựng đang gây nhiều phiền hà cho người dân. Mỗi bộ hồ sơ xin phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ có thể kéo dài cả tháng, với chi phí trung bình lên tới hơn 10 triệu đồng, bao gồm phí thiết kế, bản vẽ và nhiều khoản không chính thức khác. Trong bối cảnh thủ tục phức tạp, đa phần người dân tại các đô thị lớn phải thuê dịch vụ "chạy giấy phép", mất thêm hàng chục triệu đồng nữa.

Hiện nay phần lớn các loại công trình – từ nhà ở riêng lẻ đến cao ốc, công trình công nghiệp – đều bắt buộc phải xin phép xây dựng, trừ một số ít được miễn theo quy định. Do đó, việc tiến tới bãi bỏ yêu cầu cấp phép đối với nhà ở riêng lẻ là việc nên làm ngay để tinh giản thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian và phòng ngừa tiêu cực.

Theo các chuyên gia, bất cập hiện nay không chỉ nằm ở thủ tục, mà còn ở chính cách vận hành. Nhiều trường hợp nhà thầu thi công sai giấy phép theo yêu cầu của chủ nhà, hoặc sau khi hoàn công lại tiếp tục xây thêm hạng mục khác ngoài bản vẽ được duyệt. Thực tế này có sự buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay từ một bộ phận cán bộ xây dựng, địa chính tại cấp cơ sở đến thanh tra xây dựng.

Trong khi đó, nhiều quốc gia phát triển đã áp dụng mô hình trao quyền cho chủ nhà và nhà thầu quyết định việc xây dựng dựa trên các chỉ tiêu quy hoạch đã được phê duyệt. Khi đó, nhà thầu vừa có trách nhiệm đảm bảo tuân thủ đúng quy hoạch, vừa hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện công trình đúng thiết kế. Trường hợp vi phạm, nhà thầu sẽ bị xử lý nghiêm như rút giấy phép hành nghề.

Cơ chế này giúp việc xây dựng trở nên minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm thời gian. Người dân đưa ra ý tưởng, nhà thầu thiết kế và hoàn tất thủ tục xây dựng nhanh gọn. Ở nhiều thành phố có quy hoạch bài bản, việc bỏ cấp phép xây dựng, chuyển sang hình thức “thông báo xây dựng” hoặc “kiểm tra sau xây dựng” là xu hướng đang được áp dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, để tiến tới bỏ cấp phép xây dựng, cần có quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng, hệ thống hậu kiểm chặt chẽ và cơ chế xử lý vi phạm minh bạch.

xd.jpg
Các chuyên gia và hiệp hội ngành nghề cho rằng, việc giữ lại yêu cầu cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ là không còn cần thiết.

Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, từng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kiến nghị sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị, trong đó nhấn mạnh việc nên miễn giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ tại các khu vực đô thị đã có quy hoạch chi tiết 1/500.

Theo ông Châu, quy hoạch 1/500 – vốn chỉ mới được áp dụng chủ yếu tại các dự án bất động sản – đã thể hiện đầy đủ các yếu tố kỹ thuật như tầng cao, mật độ xây dựng, khoảng lùi và thiết kế công trình. Khi các thông số kỹ thuật đã được phê duyệt và kiểm soát bởi cơ quan chuyên môn, việc yêu cầu người dân tiếp tục nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng là không cần thiết, gây lãng phí thời gian và chi phí.

Ông Châu kiến nghị, nên bỏ cấp phép xây dựng là điều đúng đắn bởi trong quy hoạch chi tiết 1/500 gần như đã thể hiện đầy đủ khoảng lùi, tầng cao, thiết kế căn nhà. Những công trình xây dựng thuộc dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt và đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng. Công trình xây dựng nhà ở đơn lẻ của cá nhân, hộ gia đình tại các khu vực đô thị đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt thì kiến nghị nên miễn cấp giấy phép xây dựng.

“Điều này nhằm góp phần giảm thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với một số công trình quy mô nhỏ, đơn giản hoặc đã được nhà nước kiểm soát về quy hoạch, thiết kế xây dựng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy hiện nay", ông Châu kiến nghị.

Thực tế, TP.HCM đã có nền tảng pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ cho đề xuất này. Năm 2021, UBND TP ban hành Quyết định số 56 phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc toàn thành phố, với các quy định rõ ràng cho từng tuyến phố, từng khu dân cư: từ mật độ xây dựng, tầng cao tối đa, chiều cao tầng, khoảng lùi, đến chi tiết kiến trúc như ban công, ô văng, tầng lửng, tầng hầm… Đây được xem là một dạng “giấy phép ngầm” đã tích hợp vào quy hoạch đô thị – nghĩa là người dân chỉ cần tuân thủ đúng quy định là có thể xây dựng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với những khu vực đã có quy hoạch ổn định, việc tiếp tục duy trì thủ tục xin cấp phép xây dựng không những không cần thiết mà còn làm gia tăng gánh nặng hành chính cho cả người dân lẫn cơ quan nhà nước. Giải pháp hợp lý là chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” – nghĩa là công trình sẽ được kiểm tra sau khi xây dựng. Nếu sai quy hoạch, phần vi phạm sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ và không được cấp giấy hoàn công hoặc sổ hồng.

Theo các chuyên gia, đề xuất miễn giấy phép xây dựng không đồng nghĩa với buông lỏng quản lý. Trái lại, việc này đòi hỏi hệ thống quy chuẩn phải đầy đủ, công khai và dễ tiếp cận. Khi mọi chỉ tiêu kỹ thuật đã minh bạch, trách nhiệm xây dựng đúng thuộc về chủ đầu tư và đơn vị thi công. Nhà nước đóng vai trò giám sát hậu kiểm, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Mô hình này không phải là điều mới mẻ trên thế giới. Nhiều quốc gia đã áp dụng hiệu quả phương thức "thông báo xây dựng", cho phép người dân và nhà thầu khởi công ngay sau khi gửi hồ sơ thông báo – thay vì phải chờ hàng tuần, thậm chí hàng tháng để nhận được giấy phép.

Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì một thủ tục vốn chỉ còn mang tính hình thức như giấy phép xây dựng – đặc biệt ở những khu vực đã được quy hoạch và kiểm soát chặt chẽ – không những không còn phù hợp mà còn kìm hãm tốc độ phát triển và cải cách hành chính.

Việc miễn giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ tại các đô thị lớn như TP.HCM không chỉ là yêu cầu thực tiễn mà còn là bước tiến phù hợp với chủ trương "nhà nước phục vụ", tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý đô thị theo hướng hiện đại và minh bạch hơn.

An Vũ