Nhà đày Buôn Ma Thuột: Từ địa ngục trần gian đến trường học cách mạng
(CLO) Nhà đày Buôn Ma Thuột là một minh chứng sống động cho những tội ác tàn bạo mà thực dân Pháp đã gây ra trong suốt những năm tháng xâm lược Việt Nam, “địa chỉ đỏ” quan trọng để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh của dân tộc ta một thời, tại nơi đây các chiến sĩ cộng sản đã biến Nhà tù này trở thành một “trường học cách mạng”.
Nhà đày Buôn Ma Thuột có diện tích gần 2ha, tọa lạc tại địa chỉ số 27 đường Phạm Hồng Thái, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk, do thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1930 -1931 có kiến trúc độc đáo, hiện tại nơi đây là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, “Địa chỉ đỏ” giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ngày càng thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, học tập và nghiên cứu.

Tinh thần bất khuất, sự kiện đặc biệt trong hệ thống nhà tù
Nơi đây được thực dân Pháp xây dựng với mục đích là đày biệt xứ, giam giữ những người yêu nước, những đảng viên Cộng sản bị bắt, bị xử án nặng ở các tỉnh Trung Kỳ, cách ly, tra tấn các chiến sĩ cách mạng lúc phong trào đấu tranh đang bùng nổ trong cả nước như Võ Chí Công, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu…. Với mục đích như vậy, thực dân Pháp đã sử dụng mọi thủ đoạn để biến nơi đây trở thành địa ngục trần gian, với những ngón đòn tra tấn vô cùng hiểm ác. Nhưng những âm mưu, thủ đoạn đó của chính quyền thực dân đế quốc không đè bẹp được ý chí kiên cường, bất khuất của những người Việt Nam yêu nước. Các cuộc đấu tranh trong tù vẫn diễn ra thường xuyên để chống lại chế độ hà khắc của thực dân Pháp, như tuyệt thực để gây áp lực…, sau những lần đấu tranh, Các chiến sĩ cách mạng đã biến nhà tù thành trường học lý luận cách mạng, rèn luyện bản lĩnh, trau dồi lý luận, sẵn sàng tham gia phong trào cách mạng một khi thoát được ra ngoài.
Vào 8 giờ ngày 25/1/1944 (tức ngày 1/1 năm Giáp Thân), tại Nhà đày Buôn Ma Thuột đã diễn ra một sự kiện đặc biệt trong hệ thống nhà tù, nhà đày của thực dân Pháp ở Đông Dương và các nước thuộc địa trên toàn thế giới. Khi cửa nhà lao mở để tù chính trị được tháo cùm ăn Tết, đoàn quân từ cửa nhà lao vác súng gỗ trên vai đi đều bước trong giọng hát oai hùng, tiến thẳng ra sân và dừng trước trụ cờ. Quốc kỳ của nước Pháp bị hạ xuống được thay bằng lá cờ đỏ sao vàng. Bàn thờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ đặt phía trước. Đoàn quân bồng súng chào cờ Tổ quốc, mặc niệm những chiến sĩ cách mạng, đảng viên Cộng sản đã hy sinh. Cuộc duyệt binh đã diễn ra thành công, khiến cho cai tù và lính gác hoàn toàn bất ngờ. Lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong không gian Nhà đày Buôn Ma Thuột với niềm xúc động của mọi người. Cuộc duyệt binh chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng đã thể hiện tinh thần bất khuất và ý chí quật cường của chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên tại Đắk Lắk
Trong thời kỳ 1930-1945, đã có 3.855 tù nhân bị giam giữ ở Nhà đày Buôn Ma Thuột, đại bộ phận là đảng viên cộng sản. Chế độ khắc nghiệt ở chốn lao tù không làm lung lạc ý chí sắt đá của người cộng sản, mà ngược lại chính nơi đây đã trở thành trường học cách mạng, nơi tôi luyện những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam. Các chiến sĩ cách mạng vừa đấu tranh trực diện với kẻ thù, vừa đẩy mạnh tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin. Cuối năm 1940, để đáp ứng yêu cầu trên, một số tù nhân cũ và mới liên hệ với nhau lập một tổ chức bí mật gọi là “Lực lượng trung kiên” của Nhà đày. Một số đồng chí là hạt nhân của tổ chức như: Trần Hữu Dực, Nguyễn Hữu Khiếu, Nguyễn Chí Thanh, với các ký hiệu và tên gọi khác nhau, Chi bộ được tổ chức hoạt động và phát triển đội ngũ đảng viên của mình theo chính cương, Điều lệ Đảng và thực hiện các nhiệm vụ: Là hạt nhân tổ chức và lãnh đạo toàn thể tù nhân đấu tranh bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của tù chính trị; là lực lượng nòng cốt duy trì, củng cố các tổ chức của tù nhân. Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, chuẩn bị lực lượng cán bộ lãnh đạo phong trào quần chúng khi thoát khỏi cảnh lao tù. Tìm cách liên lạc để tổ chức vận động cách mạng ở thị xã Buôn Ma Thuột. Xây dựng cơ sở bên ngoài Nhà đày, nhất là ở thị xã Buôn Ma Thuột và các đồn điền vùng phụ cận. Tổ chức các cuộc vượt ngục, đưa cán bộ về cho Đảng; bồi dưỡng lý luận cách mạng và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng cho những người sắp hết hạn tù để trở ra hoạt động cách mạng.
Ngày 23/11/1940, 10 chiến sĩ cộng sản trong Nhà đày Buôn Ma Thuột đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Đắk Lắk, đồng chí Trần Hữu Dực được bầu làm Bí thư. Sự ra đời của chi bộ đánh dấu bước chuyển mình trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần đưa Cách mạng Tháng Tám thành công ở Đắk Lắk. Nhiều đồng chí đã trở thành lãnh đạo, giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng, Nhà nước, trong đó, có 5 đồng chí trong Bộ Chính trị, 4 đồng chí trong Ban Bí thư, 19 đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 1 đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước... Đó là các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Võ Chí Công, Trần Hữu Dực...
Việc thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản trong Nhà đày Buôn Ma Thuột không những có tác dụng tập hợp lực lượng và thống nhất hành động của các chiến sĩ, mà còn thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng ở Đắk Lắk, góp phần vào thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cũng từ hạt nhân Chi bộ Đảng đầu tiên đó, đã gieo mầm, tạo những hạt giống đỏ đầu tiên cho Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk; nhiều nhân sĩ, trí thức, công chức là người dân tộc thiểu số làm việc cho chính quyền thực dân đã được những người cộng sản giáo dục, cảm hóa trở thành những cán bộ cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ, có uy tín lớn đối với Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk.

TS. Nguyễn Thị Tĩnh, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tây Nguyên cho hay, thời gian qua, các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là các lớp dành cho đối tượng kết nạp Đảng thường được Đảng bộ nhà trường tổ chức tham quan, học tập thực tế tại Di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột. Hiệu quả thấy rõ sau các chuyến tham quan thực tế này đó là học sinh, sinh viên cảm nhận rõ hơn về truyền thống lịch sử, quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc của các thế hệ cha ông, giúp các em xác định rõ hơn mục tiêu, động cơ phấn đấu vào Đảng gắn liền với trách nhiệm của bản thân trong thời kỳ mới.
Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày nay đã trở thành một địa danh lịch sử, nơi khắc sâu dấu ấn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đồng thời là một địa chỉ đỏ giáo dục tuyền thống yêu nước, cách mạng. Với những giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn của Nhà đày Buôn Ma Thuột, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1820/QĐ-TTg về việc xếp hạng Nhà đày Buôn Ma Thuột là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.