'Em bé Napalm' Phan Thị Kim Phúc khẳng định Nick Út là người chụp và cứu mình
(CLO) Trong thư ngỏ gửi công chúng ngày 25/5, "Em bé Napalm" Phan Thị Kim Phúc khẳng định người đã chụp bức ảnh và cứu sống bà vào năm 1972 không ai khác chính là nhiếp ảnh gia Nick Út.
Ngày 25/5, bà Phan Thị Kim Phúc – nhân vật chính trong bức ảnh nổi tiếng "Em bé Napalm" chính thức lên tiếng về những tranh cãi xoay quanh tác giả của bức ảnh từng đoạt giải Pulitzer năm 1973. Theo nội dung trong thư ngỏ, bà khẳng định người đã chụp bức ảnh và cứu sống bà vào năm 1972 không ai khác chính là nhiếp ảnh gia Nick Út.
Tuyên bố của bà Kim Phúc được đưa ra trong bối cảnh Giải Ảnh báo chí Thế giới (World Press Photo) tạm ngừng công nhận Nick Út là tác giả bức ảnh để xác minh lại thông tin, sau khi bộ phim tài liệu The Stringer do nhà sản xuất Gary Knight thực hiện đưa ra nghi vấn rằng người chụp thực sự là ông Nguyễn Thành Nghệ – một phóng viên ảnh khác cũng có mặt tại hiện trường hôm đó.

Phản bác nội dung của bộ phim, bà Kim Phúc nhấn mạnh: “Tất cả những nhân chứng có mặt vào ngày kinh hoàng ấy – bao gồm cả chú của tôi nhiều lần xác nhận Nick Út là người đã chụp bức ảnh, rồi đưa tôi đến bệnh viện. Những nhân chứng ấy là các nhà báo, nhiếp ảnh gia và quay phim quốc tế như David Burnett, Fox Butterfield, Chris Wain và Alan Downes – những người tôi đã quen biết suốt nhiều năm và đều là bạn thân của tôi".
Trong thư, bà cũng kể lại chi tiết khoảnh khắc sau vụ ném bom tại Trảng Bàng (Tây Ninh), khi chú của bà đã cầu xin ông Nick Út và tài xế của hãng tin AP đưa bà khi đó mới 9 tuổi, bị bỏng nặng đến bệnh viện Củ Chi. “Trong khi tất cả mọi người muốn rời khỏi hiện trường trước khi trời tối, chỉ có Nick Út là người đồng ý giúp đỡ và đưa tôi đi cấp cứu. Tôi không có chút nghi ngờ nào rằng chính ông ấy đã cứu mạng tôi".
Bà cho biết cha mẹ và gia đình bà luôn coi Nick Út là ân nhân và một thành viên thân thiết. Bức ảnh ông chụp cùng bà tại nhà ở Trảng Bàng năm 1973 từng được đăng báo, là minh chứng cho mối quan hệ gắn bó giữa hai người. Đến nay, bà Kim Phúc và ông Nick Út vẫn giữ liên lạc, và bà không ngần ngại khẳng định: “Tôi coi ông là người hùng".
Trước động thái của World Press Photo, nhiếp ảnh gia Nick Út cho biết luật sư của ông đang chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện ê-kíp sản xuất The Stringer. Ông cũng cho rằng quyết định của tổ chức này xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân giữa ông và nhà sản xuất Gary Knight – người cũng đồng thời đóng vai chính trong phim.
Hiện nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng quốc tế đã lên tiếng bênh vực Nick Út, gửi thư phản đối quyết định của Giải Ảnh báo chí Thế giới và yêu cầu tổ chức này xem xét lại một cách công bằng.
Bức ảnh "Em bé Napalm" do hãng thông tấn AP công bố năm 1972, ghi lại hình ảnh cô bé Kim Phúc trần truồng chạy khỏi ngôi làng bị thả bom napalm, đã trở thành biểu tượng của làn sóng phản đối chiến tranh Việt Nam và là một trong những tác phẩm nhiếp ảnh báo chí có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất thế kỷ 20.