Kinh tế vĩ mô

Hàng triệu người Mỹ rớt điểm tín dụng vì trễ hạn vay sinh viên

Việt Hà (Theo The Washington Post) 26/05/2025 23:09

(CLO) Hơn 3 triệu người Mỹ rớt trên 100 điểm tín dụng chỉ trong quý I/2025 do trễ hạn vay sinh viên, kéo theo hệ lụy lan rộng từ việc làm đến nhà ở.

Hàng triệu người dân Mỹ đang bất ngờ đối diện với tình trạng điểm tín dụng lao dốc nghiêm trọng do các khoản vay sinh viên quá hạn.

770-202505260857291.png
Biểu ngữ “Hãy xóa nợ sinh viên” dựng trước trụ sở Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ở Washington D.C. Ảnh: Sarah Silbiger

Điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thuê nhà, mua bảo hiểm, vay tiền mua ô tô, thậm chí tìm kiếm việc làm, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với không ít thách thức.

Theo phân tích từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, trong ba tháng đầu năm 2025, điểm tín dụng của 2,2 triệu người vay sinh viên quá hạn đã giảm hơn 100 điểm.

Thậm chí, hơn 1 triệu người khác chứng kiến mức giảm từ 150 điểm trở lên. Đây là mức sụt giảm tương đương với những gì xảy ra sau khi một cá nhân nộp đơn xin phá sản.

Các nhà nghiên cứu cho biết, trong số này, khoảng 2,4 triệu người trước đó sở hữu điểm tín dụng tốt, đủ điều kiện để vay mua ô tô, thế chấp nhà ở hoặc đăng ký thẻ tín dụng, trước khi tình trạng nợ quá hạn được ghi nhận.

Việc điểm tín dụng giảm mạnh có thể khiến hàng triệu người phải đối mặt với chi phí vay vốn cao hơn, đặc biệt khi lãi suất hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 20 năm. Cục Dự trữ Liên bang cũng đã phát đi tín hiệu rằng họ chưa có kế hoạch giảm lãi suất trong thời gian gần.

Tác động rõ rệt đến khả năng vay vốn

Những dấu hiệu cho thấy điểm tín dụng thấp đang gây ra không ít trở ngại cho người Mỹ trong việc tiếp cận các khoản vay đã bắt đầu xuất hiện. Cụ thể, tỷ lệ từ chối các đơn xin vay mua ô tô, thẻ tín dụng và tái cấp vốn thế chấp đều tăng trong tháng 2 vừa qua so với cùng kỳ năm trước.

Chị Tina Johnson, 44 tuổi, sống tại hạt Fleming, bang Kentucky, là một trường hợp điển hình. Chị gần như đã hoàn tất việc mua một chiếc Nissan Pathfinder đã qua sử dụng thì bất ngờ nhận thông báo rằng khoản vay được phê duyệt trước đó không còn hiệu lực.

Điểm tín dụng của chị đã giảm từ 650 xuống còn 418 sau khi chị không thanh toán 440 USD tiền vay sinh viên, khoản nợ mà chị không hề hay biết đã đến hạn trở lại.

Dù Bộ Giáo dục Mỹ khẳng định các công ty cho vay sẽ gửi hóa đơn cho người vay ít nhất ba tuần trước hạn thanh toán, chị Johnson cho biết mình không nhận được bất kỳ thông báo nào.

"Không có email, không cuộc gọi, cũng không thư từ nào cả. Nếu tôi biết trước, mọi chuyện có thể đã khác", chị chia sẻ.

Khoản thanh toán xe dự kiến ban đầu là 350 USD mỗi tháng của chị Johnson đã tăng gần gấp đôi chỉ sau một đêm, vượt xa khả năng chi trả của chị – một người làm nghề giao hàng cho DoorDash.

Hiện tại, chị đành tiếp tục sử dụng chiếc Nissan Altima đã 12 năm tuổi. Chị cũng buộc phải hoãn lại các kế hoạch khác như vay thế chấp để sửa mái nhà hay quay lại trường học lấy bằng cử nhân, bởi điểm tín dụng của chị đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Tôi đã cố gắng thanh toán các khoản nợ, nhưng giờ đây chẳng còn cách nào khác. Có lẽ tôi sẽ mất nhiều năm để khôi phục lại 200 điểm đã mất", chị Johnson nói.

Chính sách hỗ trợ kết thúc, áp lực gia tăng

Các khoản vay sinh viên liên bang tại Mỹ từng được tạm dừng thanh toán từ tháng 3/2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, nhằm hỗ trợ hàng triệu người dân trong giai đoạn kinh tế bất ổn và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Dù việc thanh toán đã được nối lại vào cuối năm 2023, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã gia hạn thêm một năm ân hạn. Tuy nhiên, thời gian ân hạn này đã chính thức kết thúc vào ngày 30/9 vừa qua, nhưng hàng triệu người vay vẫn chưa thực hiện bất kỳ khoản thanh toán nào.

Đến tháng này, chính phủ liên bang đã tái khởi động các nỗ lực thu hồi nợ vay sinh viên quá hạn. Họ cũng thông báo kế hoạch tiếp tục tịch thu lương, tiền hoàn thuế và các khoản thanh toán An sinh Xã hội vào mùa hè năm nay, khiến áp lực đối với người vay càng trở nên nặng nề.

Theo số liệu từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, tính đến cuối tháng 3, gần 1/4 số người vay bắt buộc phải thanh toán đã quá hạn hơn 90 ngày.

Dù người trẻ tại Mỹ thường là nhóm có nợ sinh viên lớn nhất, những người từ 40 tuổi trở lên lại có xu hướng chậm trễ thanh toán nhiều hơn. Điều này cho thấy áp lực từ nhiều năm lạm phát đang khiến người Mỹ trung niên gặp khó khăn trong việc duy trì các khoản thanh toán đúng hạn.

"Đây có thể là khởi đầu của một vấn đề lớn mà chúng ta cần quan tâm", ông Dominik Mjartan, Giám đốc Điều hành Ngân hàng American Pride tại Macon, bang Georgia, nhận định.

"Tại Mỹ, việc sở hữu điểm tín dụng thấp đồng nghĩa với cái giá rất đắt. Chi phí sinh hoạt tăng lên, từ hóa đơn điện thoại, tiện ích cho đến bảo hiểm, tất cả đều bị ảnh hưởng. Và điều này dần lan tỏa khắp nền kinh tế".

Điểm tín dụng và những hệ lụy sâu rộng

Điểm tín dụng, thường dao động từ 300 đến 850, là thước đo phản ánh lịch sử tài chính của một cá nhân, bao gồm mức nợ, thói quen thanh toán hóa đơn và thời gian sử dụng tín dụng.

Các tổ chức cho vay, chủ nhà, nhà tuyển dụng, công ty bảo hiểm, nhà cung cấp dịch vụ di động và tiện ích đều dựa vào chỉ số này để đánh giá khả năng thanh toán đúng hạn của một người.

Điểm tín dụng tốt, thường từ 670 trở lên, mang lại lợi thế với lãi suất thấp hơn và hạn mức tín dụng cao hơn. Ngược lại, điểm tín dụng dưới chuẩn, dưới 620, có thể khiến người vay không đủ điều kiện tiếp cận hầu hết các khoản vay thông thường.

"Đây là một cú sốc lớn đối với điểm tín dụng. Đối với nhiều người, mức giảm này đủ để đẩy họ vào nhóm tín dụng dưới chuẩn, khiến việc vay vốn với lãi suất hợp lý trở nên vô cùng khó khăn", bà Stefania Albanesi, giáo sư kinh tế tại Đại học Miami, người từng làm việc tại Fed New York, phân tích.

"Điểm tín dụng có thể giảm rất nhanh, nhưng để phục hồi lại thì mất rất nhiều thời gian. Dù bạn đã thanh toán đúng hạn trở lại, việc quay về mức ban đầu có thể kéo dài hàng năm trời".

Những khoản vay sinh viên quá hạn gần đây đã kéo điểm tín dụng trung bình của người Mỹ xuống còn 715 vào tháng 2 - mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch, theo FICO, một công ty dữ liệu được các tổ chức cho vay tin dùng.

Những câu chuyện cá nhân đầy trăn trở

Chị Journey Butler, 21 tuổi, tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Đại học Florida A&M cách đây vài năm, từng lên kế hoạch học luật vào năm tới. Tuy nhiên, giấc mơ ấy đang bị lung lay khi tuần trước chị phát hiện điểm tín dụng của mình giảm 168 điểm, xuống còn 521.

Chị Butler tưởng rằng khoản vay sinh viên của mình vẫn được hoãn do chị từng được gia hạn sau một thảm họa thiên nhiên tại địa phương vào năm ngoái.

Chị Butler đã bỏ qua vài tin nhắn và email từ công ty cho vay mà không nhận ra vấn đề, cho đến khi nhận được cảnh báo về điểm tín dụng bị ảnh hưởng. Chị nhanh chóng thanh toán số dư 500 USD còn lại, nhưng được thông báo rằng việc khôi phục điểm tín dụng có thể mất nhiều năm.

"Giờ đây, việc thuê một căn hộ mới gần như là bất khả thi, chưa nói đến chuyện vay thêm tiền học tiếp", chị Butler, hiện làm việc tại một công ty bảo hiểm y tế ở Tallahassee, tâm sự. "Tôi nhận được thông báo đó và cảm giác như mọi thứ sụp đổ. Điểm tín dụng ảnh hưởng đến mọi thứ, từ việc làm, mua nhà cho đến bảo hiểm xe hơi".

Khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngày càng rõ

Thực tế cho thấy người Mỹ đang gặp nhiều trở ngại hơn trong việc tiếp cận tín dụng. Theo khảo sát từ Fed New York, gần 42% đơn xin tái cấp vốn thế chấp bị từ chối trong tháng 2, tăng mạnh so với mức 27% của năm trước.

Tỷ lệ từ chối vay mua ô tô cũng nhảy vọt từ 2% lên 14%, trong khi tỷ lệ từ chối thẻ tín dụng tăng từ 17% lên 22%. Đặc biệt, tỷ lệ người cần vay nhưng không dám nộp đơn vì lo sợ bị từ chối đã chạm mức kỷ lục 8,5%, theo khảo sát bắt đầu từ năm 2013.

"Những tác động dây chuyền là điều không thể tránh khỏi. Khả năng tài chính của nhiều người vốn đã rất mong manh. Việc phải trả lại các khoản vay sinh viên sau nhiều năm tạm hoãn tạo ra sự khác biệt lớn", ông Matt Schulz, chuyên gia phân tích tài chính tiêu dùng tại LendingTree, nhận định.

"Sự gia tăng các khoản vay sinh viên quá hạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người dân đối với các loại nợ khác."

Chị Destiny, 30 tuổi, sống tại bang Georgia, đang chuẩn bị nhận công việc mới trong lĩnh vực công nghệ tại khu vực Trung Tây vào tháng tới. Tuy nhiên, chị gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở khi điểm tín dụng đột ngột giảm từ mức trên 700 xuống còn hơn 400.

Chị Destiny yêu cầu chỉ sử dụng tên gọi vì lo ngại ảnh hưởng đến cơ hội việc làm. Khi các khoản thanh toán vay sinh viên trở lại vào cuối năm ngoái, chị đang trong giai đoạn chuyển đổi công việc và cố gắng hoãn khoản nợ 44.000 USD.

"Mọi quản lý bất động sản đều nói rằng điểm tín dụng của tôi quá thấp", chị Destiny chia sẻ. "Tôi đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện điểm tín dụng, nhưng giờ đây, ngay cả việc tìm một chỗ ở cơ bản cũng trở thành điều không thể".

Dự báo và những thách thức phía trước

Các nhà kinh tế dự báo điểm tín dụng sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới, khi ngày càng nhiều khoản vay sinh viên bị ghi nhận quá hạn.

Dù 2,7 triệu người vay được báo cáo là mới quá hạn trong tháng 2, con số thực tế có thể cao gấp đôi, khoảng 5,4 triệu người, họ vẫn chưa bị đánh dấu dù họ không thanh toán kể từ tháng 10, theo FICO.

Sự gia tăng nợ quá hạn và điểm tín dụng giảm là dấu hiệu ban đầu cho thấy áp lực tài chính ngày càng lớn đối với người Mỹ. Nhiều người vay cho biết ngân sách gia đình của họ đã thay đổi đáng kể kể từ năm 2020 - thời điểm họ còn đều đặn trả nợ sinh viên.

Chi phí tăng cao cho thực phẩm, tiện ích, xăng và các nhu yếu phẩm khác khiến họ rơi vào tình trạng căng thẳng tài chính, khó xoay sở với các khoản thanh toán mới.

Theo ước tính từ Moody’s Analytics, việc nối lại thanh toán vay sinh viên và ảnh hưởng từ điểm tín dụng thấp hơn có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế tổng thể trong năm nay khoảng 0,13%. Tác động này đến vào thời điểm nhạy cảm, khi nền kinh tế Mỹ đã suy giảm vào đầu năm 2025, chủ yếu do nhập khẩu tăng đột biến ảnh hưởng đến GDP.

"Điều đáng lo ngại là nợ sinh viên có thể bị khấu trừ trực tiếp từ lương. Đây là một rủi ro rất lớn," ông Mjartan của Ngân hàng American Pride nhấn mạnh.

"Nó tạo ra một vòng xoáy đi xuống: Nếu bạn không theo kịp các khoản vay sinh viên và lương bị cắt giảm, bạn sẽ không thể trả các khoản nợ khác, cũng như không còn khả năng chi tiêu".

Chị Kayla Moore, 24 tuổi, làm việc tại một ngân hàng ở Chicago, phát hiện vào tháng 3 rằng điểm tín dụng của mình - vốn ở mức "tốt" 730 - đã giảm hơn 100 điểm xuống mức dưới chuẩn, chỉ vì ba lần trễ hạn thanh toán, mỗi lần 30 USD.

Chị Moore đã trả được 5.500 USD nợ vay và cha chị đồng ý chi trả g1.000 USD còn lại. Tuy nhiên, chị không hề biết các khoản thanh toán đó bị bỏ sót cho đến khi nhận được thông báo từ Credit Karma và Experian. Dù đã thanh toán toàn bộ ngay lập tức, điểm tín dụng của chị vẫn chỉ nhích lên mức giữa 600.

"Tôi gần như phát hoảng khi thấy chuyện gì đã xảy ra", chị Moore kể. "Tôi rất muốn chuyển đến một căn hộ tốt hơn trong năm nay, nhưng giờ tôi lo rằng họ sẽ nhìn vào điểm tín dụng của tôi và từ chối ngay lập tức".

Việt Hà (Theo The Washington Post)