Tái định vị khu công nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên ESG và chuyển đổi số
(CLO) Mô hình phát triển khu công nghiệp hiện nay đang dần bộc lộ những giới hạn khi đối mặt với các yêu cầu mới về phát triển bền vững, tiêu chuẩn ESG, chuyển đổi số và áp lực về sử dụng tài nguyên, môi trường.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư quốc tế tiếp tục tìm đến các điểm đến mới tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam nổi lên như một lựa chọn chiến lược nhờ vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động trẻ, chi phí cạnh tranh và các cam kết cải thiện môi trường đầu tư.

Sự trỗi dậy của bất động sản công nghiệp, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây là minh chứng rõ nhất cho xu hướng này. Tính đến năm 2024, cả nước đã có 422 khu công nghiệp được phê duyệt, trong đó 298 khu đang hoạt động. Năm 2025 tiếp tục ghi nhận làn sóng đầu tư mới, với các dự án quy mô lớn như khu công nghiệp Hòa Ninh, Đà Nẵng, hơn 400 ha; KCN Nomura giai đoạn 2, Hải Phòng, gần 200 ha,...
Tuy nhiên, đằng sau các con số tăng trưởng là một loạt thách thức mang tính cấu trúc: mô hình phát triển khu công nghiệp hiện nay đang dần bộc lộ những giới hạn khi đối mặt với các yêu cầu mới về phát triển bền vững, tiêu chuẩn ESG, chuyển đổi số và áp lực về sử dụng tài nguyên, môi trường.
Thứ nhất, yêu cầu về môi trường và tiêu chuẩn ESG đang trở thành điều kiện quan trọng trong các quyết định đầu tư FDI. Những khu công nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về xử lý nước thải, chất thải rắn, quản lý carbon, tiết kiệm năng lượng sẽ khó cạnh tranh trong việc thu hút doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt là các tập đoàn sản xuất lớn trong lĩnh vực điện tử, ô tô, thực phẩm, dệt may.
Thứ hai, làn sóng chuyển đổi số và tự động hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong các hoạt động sản xuất – hậu cần – vận hành khu công nghiệp. Mô hình “khu công nghiệp thông minh” không chỉ là một khái niệm thời thượng, mà trở thành yêu cầu thực tiễn nhằm tối ưu chi phí vận hành, giám sát môi trường, đảm bảo an toàn và kết nối dữ liệu với doanh nghiệp.
Những thay đổi về mặt cấu trúc và yêu cầu thị trường đang thúc đẩy nhu cầu tái định vị mô hình phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam. Nhiều địa phương và nhà đầu tư đang thử nghiệm mô hình khu công nghiệp sinh thái – tích hợp năng lượng tái tạo, xử lý tuần hoàn nước, ứng dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng và kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong cùng một chuỗi.
Bên cạnh đó, các giải pháp công nghệ số cũng được kỳ vọng trở thành “xương sống” cho mô hình khu công nghiệp thông minh: từ hệ thống cảm biến giám sát môi trường, hệ thống đèn chiếu sáng thông minh, đến nền tảng dữ liệu lớn (big data) hỗ trợ quản trị vận hành và phân tích hiệu suất.
Việc hình thành hệ sinh thái khu công nghiệp thế hệ mới không chỉ phụ thuộc vào năng lực của nhà đầu tư hạ tầng, mà cần sự điều phối chính sách mạnh mẽ từ phía nhà nước – đặc biệt là trong quy hoạch tích hợp, tiêu chuẩn kỹ thuật, ưu đãi cho đầu tư xanh và hạ tầng số, cũng như cơ chế phối hợp vùng.

Trong bối cảnh đó, các sự kiện chuyên ngành như Diễn đàn Phát triển Khu Công nghiệp Việt Nam 2025 với chủ đề “Thúc đẩy phát triển Khu công nghiệp: Giải pháp toàn diện và Đầu tư bền vững”, diễn ra ngày 29/5 tại Hà Nội, đóng vai trò như một không gian đối thoại chính sách – công nghệ – đầu tư. Diễn đàn tập trung vào các nội dung như: định hướng phát triển khu công nghiệp bền vững 2025–2030, xây dựng mô hình cộng sinh công nghiệp, hạ tầng số, cảm biến, năng lượng xanh và vật liệu tái chế…
Đây là dịp để các cơ quan quản lý, nhà phát triển khu công nghiệp, quỹ đầu tư và chuyên gia công nghệ cùng thảo luận hướng đi mới nhằm thúc đẩy các khu công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và thích ứng với các yêu cầu xanh hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.