Sức khỏe

Quy trình cách ly COVID-19 diễn ra như thế nào?

Nam Nguyên 28/05/2025 13:56

(CLO) COVID-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B như: Cúm, sởi, lao phổi, tay chân miệng… Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng, nhưng cũng không được chủ quan trước ca ca mắc COVID-19 vẫn gia tăng.

Không nên quá lo lắng về tình hình dịch

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Chuyên gia cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), trong phòng chống bệnh truyền nhiễm, các ca mắc COVID-19 được xử lý như các cúm mùa và các bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, người dân không nên quá lo lắng, nhưng cũng không được chủ quan. Không thể loại trừ khả năng COVID-19 có diễn biến bất ngờ, do đó, các cơ sở y tế cần có sự chuẩn bị, để nếu có diễn biến bất thường, thì vẫn đủ giường bệnh, cơ sở cách ly để dịch không bùng phát mạnh, không nhiễm khuẩn chéo, dẫn đến tử vong như trước đây.

Theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị, sự gia tăng gần đây của các ca mắc COVID-19 là hiện tượng có thể dự đoán được, nhất là trong bối cảnh mùa hè đến gần.

Theo bác sĩ Khiêm, hiện nay, việc cách ly chủ yếu được thực hiện trong các cơ sở y tế nhằm bảo vệ bệnh nhân có bệnh lý nền, không còn áp dụng rộng rãi như giai đoạn cao điểm năm 2021. “Chúng tôi đã bố trí khu riêng để chăm sóc các bệnh nhân mắc COVID-19, nhưng điều kiện cách ly không còn khắt khe như trước”, bác sĩ Khiêm chia sẻ.

dscf3016.jpg
Bệnh nhân được cách ly riêng để tránh lây nhiễm chéo.

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Phó Trưởng phòng Cấp cứu truyền nhiễm, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay các bệnh do virus, đặc biệt là lây truyền qua đường hô hấp, thường diễn tiến theo từng "làn sóng" lên xuống.

Khi virus lan rộng trong cộng đồng, số ca mắc tăng vọt. Sau một thời gian, khi nhiều người đã nhiễm bệnh và có miễn dịch, số ca sẽ giảm. Nhưng khi miễn dịch suy yếu hoặc virus biến đổi, một "làn sóng" mới lại có thể xuất hiện.

Bên cạnh đó, nếu được giám sát dịch tễ một cách chặt chẽ, đầy đủ và liên tục, ví dụ, thông qua xét nghiệm COVID-19 định kỳ tại tất cả bệnh viện tuyến trung ương và địa phương, chúng ta sẽ có cái nhìn toàn cảnh, chính xác hơn về sự biến động của dịch bệnh.

Tuy nhiên, kể từ khi COVID-19 được hạ xuống nhóm B (tức là không còn được xếp vào nhóm đặc biệt nguy hiểm), việc giám sát không còn chặt chẽ như trước. Do đó, theo bác sĩ Thái, số ca mắc hiện nay chỉ phản ánh một phần thực tế.

"COVID-19 hiện nay là bệnh lưu hành, tức luôn tồn tại rải rác trong cộng đồng, có thể có người mắc bất kỳ lúc nào, từ nhẹ đến nặng. Đây không còn là một đợt bùng phát hay đại dịch mới", bác sĩ Thái nói.

Triển khai công tác phòng chống dịch

Từ đầu năm 2025, xu hướng biến thể SARS-CoV-2 toàn cầu có sự thay đổi, với LP.8.1 thay thế XEC trở thành biến thể chiếm ưu thế vào giữa tháng 3 năm 2025. Thời gian gần đây LP.8.1 đang suy giảm khi NB.1.8.1 là một biến thể đang được theo dõi (VUM) có các đột biến liên quan đến khả năng lây truyền cao hơn, đang gia tăng về mức độ phổ biến (chiếm 10,7% kết quả giải trình tự gen toàn cầu vào giữa tháng 5 năm 2025). Tuy nhiên các biến thể mới này không có nguy cơ gia tăng đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể lưu hành khác.

Biến thể NB.1.8.1 được phát hiện vào đầu năm 2025, hiện đã ghi nhận tại 23 quốc gia (Singapore, Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, Canada, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,…)

Trước tình hình bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với WHO, các đơn vị liên quan đánh giá nguy cơ và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.

DSCF3008 (1)
Bộ Y tế đã đánh giá nguy cơ và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động, thường xuyên phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, thực hiện lấy mẫu đại diện tại các ổ dịch, nhất là các trường hợp mắc bệnh nặng để xét nghiệm xác định các biến thể và theo dõi sự lây lan của dịch bệnh.

Các địa phương tiếp tục thực hiện các hoạt động kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025 theo Quyết định số 3984/QĐ-BYT ngày 29/10/2023 của Bộ Y tế. Rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo dự báo tình hình bệnh dịch, không để tình trạng ứng phó thụ động, bất ngờ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tác động của COVID-19 đến sức khỏe con người đã giảm dần vào năm 2023 và 2024, tuy nhiên SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục sự lưu hành và diễn biến khó lường; hiện WHO chưa có cảnh báo mới đối với COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam ghi nhận rải rác 641 trường hợp mắc COVID-19 tại 39 tỉnh, thành phố, không có tử vong. Trong đó TP. Hà Nội (153 trường hợp mắc), TP. Hải Phòng (138), TP. Hồ Chí Minh (80), Quảng Ninh (46), Bắc Giang (24), Bắc Ninh (24), Thái Nguyên (23), 32 tỉnh, thành phố khác ghi nhận rải rác dưới 20 ca mắc/tỉnh, hiện nay không ghi nhận các ổ dịch tập trung, tuy nhiên có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây.

Nam Nguyên