Đức đình chỉ một chương trình đoàn tụ gia đình của người tị nạn
(CLO) Hôm 28/5, Chính phủ Đức đã thông qua dự luật đình chỉ chương trình đoàn tụ gia đình cho những người tị nạn có tình trạng bảo vệ phụ, cần được Quốc hội Đức (Bundestag) phê duyệt để có hiệu lực.
Mohammed, một người tị nạn Syria, là ví dụ điển hình sẽ bị dự luật này tác động. Năm 2014, Mohammed cùng vợ và bốn con chạy trốn cuộc nội chiến Syria đến Kurdistan, Iraq.
Cuộc sống khó khăn khiến vợ và ba con của ông trở về Syria, trong khi Mohammed và cậu con trai 9 tuổi bị bại não thực hiện hành trình nguy hiểm qua Libya và Địa Trung Hải để đến Đức, hy vọng được điều trị y tế và đoàn tụ gia đình.

Tuy nhiên, hơn hai năm sau, ông vẫn sống đơn độc với con trai trong một ngôi nhà tồi tàn, phụ thuộc vào trợ cấp xã hội và không biết khi nào vợ và hai con gái có thể đến Đức.
Mohammed được cấp tình trạng bảo vệ phụ, dành cho những người không đủ tiêu chí tị nạn theo Công ước Geneva nhưng đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng như tử hình, tra tấn, hoặc bạo lực trong xung đột vũ trang.
Hiện có khoảng 351.400 người có tình trạng này tại Đức, chủ yếu là người Syria. Họ được cấp giấy phép cư trú ban đầu một năm, được gia hạn thành ba năm từ năm 2024, và có quyền sống, làm việc, nhận trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, chương trình này có thể bị đình chỉ tới đây.
Bộ trưởng Nội vụ Alexander Dobrindt nhấn mạnh: “Khả năng hội nhập của đất nước đã đạt đến giới hạn”. Ông cho rằng các thành phố và địa phương trên cả nước đang chịu áp lực quá lớn từ nhập cư.
Chính sách đoàn tụ gia đình cho người có bảo vệ phụ từ lâu là chủ đề tranh cãi tại Đức. Năm 2015, dưới thời Thủ tướng Angela Merkel, quyền này được cấp nhưng bị đình chỉ vào năm 2016.
Từ năm 2018, quyền đoàn tụ được khôi phục với hạn ngạch 1.000 visa mỗi tháng, dẫn đến danh sách chờ dài và quy trình phức tạp. Năm 2024, Đức cấp khoảng 120.000 visa đoàn tụ gia đình, trong đó 12.000 visa dành cho thân nhân của người có bảo vệ phụ.
Quy trình xin visa đoàn tụ gia đình thường mất từ sáu tháng đến hơn hai năm, đòi hỏi các thủ tục phức tạp như xét nghiệm DNA hoặc đến đại sứ quán ở quốc gia khác, điều gần như bất khả thi với nhiều người.