Thế giới 24h

Nga cảnh báo rủi ro hạt nhân từ xung đột Israel - Iran

Cao Phong (theo Newsweek, CNN) 17/06/2025 11:38

(CLO) Ngày 16/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo về những rủi ro đối với nhà máy điện hạt nhân Bushehr do các cuộc tấn công liên tiếp của Israel nhằm vào Iran, mô tả tình hình là “cực kỳ nguy hiểm”.

Phát biểu với hãng thông tấn TASS của Nga, ông Ryabkov nhấn mạnh: “Tình hình hiện tại rất nguy hiểm. May mắn là chưa có thiệt hại nghiêm trọng nào, theo nguồn tin của chúng tôi và thông tin từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), nhưng đó chỉ là sự trùng hợp may mắn. Rủi ro vẫn còn rất cao”. Ông kêu gọi chấm dứt xung đột quân sự để ổn định khu vực.

IAEA xác nhận nhà máy Bushehr, nằm trên bờ Vịnh Ba Tư, chưa bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công gần đây. Ông Grossi cho biết cơ quan này đang giám sát chặt chẽ các cơ sở hạt nhân của Iran và mức độ phóng xạ tại các địa điểm liên quan.

Đặc biệt, tại cơ sở hạt nhân Natanz, mức phóng xạ bên ngoài vẫn ổn định, không gây ảnh hưởng đến dân chúng hoặc môi trường. Tuy nhiên, IAEA ghi nhận có ô nhiễm phóng xạ bên trong cơ sở này.

bushehr_nuclear_plant.jpg
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr. Ảnh: CC/Hossein Heidarpour

Nga từng hỗ trợ xây dựng nhà máy Bushehr, sử dụng nhiên liệu uranium do Nga sản xuất. Ông Ryabkov cho biết Moscow đang phân tích mọi thông tin liên quan đến cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran.

Tổng Giám đốc IAEA, ông Rafael Mariano Grossi nhấn mạnh: “IAEA cần nhận được thông tin kỹ thuật kịp thời và thường xuyên về các cơ sở hạt nhân để thông báo cho cộng đồng quốc tế và đảm bảo ứng phó hiệu quả trong trường hợp khẩn cấp. Thiếu thông tin, chúng tôi không thể đánh giá chính xác tình trạng phóng xạ và tác động tiềm tàng”.

Nhà máy Bushehr, vận hành từ năm 2011, là biểu tượng hợp tác Nga-Iran trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, Natanz là cơ sở trung tâm của chương trình làm giàu uranium của Iran, từng bị tấn công nhiều lần trong quá khứ, bao gồm vụ tấn công mạng Stuxnet năm 2010, được cho là do Mỹ và Israel thực hiện. IAEA gần đây tuyên bố Iran không tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ hạt nhân, làm gia tăng nghi ngờ từ cộng đồng quốc tế.

Tình hình hiện tại không chỉ đe dọa an ninh khu vực mà còn làm phức tạp các nỗ lực ngoại giao nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA), vốn bị Mỹ rút khỏi năm 2018. Các bên liên quan, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và châu Âu, đang nỗ lực tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, nhưng triển vọng vẫn mờ mịt.

Cao Phong (theo Newsweek, CNN)