Miền Trung tăng cường cảnh báo sớm, chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng do nắng nóng cực đoan
(CLO) Bước vào tháng 6, nền nhiệt tại nhiều địa phương miền Trung vượt ngưỡng 40 độ C. Trước thực trạng trên, các tỉnh miền Trung đồng loạt siết chặt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm và huy động lực lượng "4 tại chỗ" sẵn sàng ứng cứu.
Sử dụng ứng dụng công nghệ phát hiện sớm điểm cháy
Theo dự báo, mùa khô năm nay sẽ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, tỉnh Quảng Nam, đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp PCCCR từ rất sớm.
Bên cạnh triển khai phương châm “4 tại chỗ”, lực lượng kiểm lâm và các Ban quản lý rừng phòng hộ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác giám sát. Tại huyện Nam Trà My – nơi quản lý hơn 54.000 ha rừng – các điểm có nguy cơ cháy cao đã được khoanh vùng, kiểm tra định kỳ. Các đường băng cản lửa được duy tu, bổ sung biển cảnh báo, thiết bị và lực lượng chữa cháy sẵn sàng túc trực 24/24 giờ.

Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 680.000 ha rừng, trong đó khoảng 300.000 ha nằm trong khu vực trọng điểm dễ cháy, phân bố trên 118 xã. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm đến nay, địa bàn chưa ghi nhận vụ cháy rừng nào. Đơn vị thường xuyên theo dõi dữ liệu cảnh báo sớm qua ảnh vệ tinh từ Cục Kiểm lâm và hệ thống giám sát tài nguyên rừng của tỉnh để kịp thời phát hiện điểm phát lửa, thông báo cho các địa phương xử lý.
Ông Nguyễn Vĩnh Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My, cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn người dân đốt thực bì đúng kỹ thuật, tổ chức tuyên truyền lưu động tại các thôn, bản để nâng cao nhận thức phòng cháy, hạn chế tối đa nguy cơ từ hành vi bất cẩn.”
Toàn tỉnh đã thành lập 360 tổ, đội PCCCR với gần 3.000 thành viên, sẵn sàng ứng trực suốt mùa khô với tinh thần "phòng cháy hơn chữa cháy".
Chủ động từ sớm, sát sao từ cơ sở
Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận 3 vụ cháy rừng tại huyện Quảng Ninh, thiêu rụi gần 1,8 ha rừng trồng. Trước thực tế đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời tham mưu UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp PCCCR.
Tỉnh đã trang bị đồng bộ các thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác chữa cháy như máy thổi gió, cưa xăng, máy cắt thực bì… Đặc biệt, hệ thống camera giám sát cháy rừng đầu tiên đặt tại xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy đã được nghiệm thu và đưa vào vận hành, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời các điểm nóng cháy rừng.
Song song với các giải pháp kỹ thuật, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng được chú trọng. Người dân sống gần rừng được hướng dẫn cụ thể cách xử lý thực bì an toàn, tuyệt đối không sử dụng lửa trong những ngày nguy cơ cháy ở cấp III trở lên. Các bản tin cảnh báo từ Cục Kiểm lâm và hệ thống giám sát địa phương được cập nhật liên tục.
Tại Bình Định, dù chưa xảy ra vụ cháy rừng nghiêm trọng nào từ đầu năm, nhưng các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa.
Tại huyện Vĩnh Thạnh – nơi sở hữu hơn 46.000 ha rừng tự nhiên, kế hoạch PCCCR được xây dựng sớm và triển khai đồng bộ. Các đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm và chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Tại thị xã An Nhơn, lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với các xã có rừng và cộng đồng chủ rừng để tuần tra, kiểm soát các khu vực giáp ranh – nơi tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cháy cao. Hoạt động đốt thực bì sau khai thác được kiểm soát chặt chẽ nhằm phòng ngừa cháy lan.
Công tác tuyên truyền tại Bình Định được triển khai bài bản, đến từng hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số – nhóm có nguy cơ phát sinh nguồn lửa cao. Các nội dung tuyên truyền được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Ban Chỉ đạo phát triển lâm nghiệp tỉnh cũng cập nhật hàng ngày danh sách các vùng có nguy cơ cháy rừng cao lên nhóm Zalo chung của các đơn vị để kịp thời cảnh báo.
Với sự vào cuộc quyết liệt từ cơ sở, ứng dụng công nghệ hiện đại, cùng sự tham gia chủ động của cộng đồng, các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Định đang từng bước kiểm soát tốt tình hình, hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra.