Thế giới 24h

Chương trình hạt nhân của Iran sẽ có bước tiến tiếp theo như thế nào?

Ngọc Ánh (theo AJ, ToI) 28/06/2025 16:43

(CLO) Chỉ vài ngày sau đợt không kích của Mỹ, tương lai chương trình hạt nhân của Iran tiếp tục gây tranh cãi khi cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng.

Ba ngày sau đợt không kích của Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, dư luận quốc tế vẫn chưa có câu trả lời thống nhất về mức độ thiệt hại mà Iran phải gánh chịu.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố các cơ sở làm giàu uranium của Iran đã bị “xóa sổ”, nhưng báo cáo ban đầu từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) lại cho rằng mức độ thiệt hại chỉ “từ trung bình đến nghiêm trọng”, và nhấn mạnh đánh giá này còn thiếu cơ sở chắc chắn.

untitled(2).png
Ảnh vệ tinh trên khu phức hợp ngầm Fordow, trước và sau khi Mỹ tấn công cơ sở hạt nhân. Ảnh: Maxar Technologies

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm 24/6 cho rằng cuộc tấn công “không gây tác động đáng kể”. Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Mohammad Eslami cũng tuyên bố các kế hoạch khôi phục đã được chuẩn bị từ trước nhằm ngăn gián đoạn hoạt động sản xuất.

Dù vậy, hình ảnh vệ tinh cho thấy cơ sở Fordow và Natanz – hai trung tâm làm giàu uranium then chốt của Iran – đã bị hư hại rõ rệt.

DIA cho rằng các cuộc không kích có thể khiến chương trình hạt nhân của Iran chậm lại vài tháng, song Iran được cho là đã di chuyển phần lớn lượng uranium làm giàu ra khỏi các cơ sở trước khi bị tấn công. Ông Trump phủ nhận điều này, tuyên bố Iran “không kịp mang gì đi cả” vì “bị đánh quá nhanh và quá mạnh”.

CIA lại đưa ra đánh giá hoàn toàn khác. Giám đốc John Ratcliffe tuyên bố một số cơ sở “đã bị phá hủy hoàn toàn” và sẽ mất nhiều năm để xây dựng lại. Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Tình báo Mỹ Tulsi Gabbard nói Iran sẽ phải xây dựng lại toàn bộ ba cơ sở hạt nhân lớn là Natanz, Fordow và Esfahan nếu muốn tiếp tục.

Liên hợp quốc vẫn chưa thể kiểm chứng thiệt hại do thiếu tiếp cận hiện trường. Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi thận trọng nhận định, “phá hủy” là từ quá mạnh, nhưng thiệt hại là “rất lớn”. Cùng ngày, Israel tuyên bố chương trình hạt nhân Iran đã bị “làm chậm trong nhiều năm”.

Dù vậy, Iran hiện không sẵn sàng chấp nhận giám sát quốc tế. Hôm 26/6, Hội đồng Giám hộ nước này đã thông qua một đạo luật đình chỉ hợp tác với IAEA – dấu hiệu rõ ràng cho thấy Tehran đang cứng rắn hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, nhiều người đặt câu hỏi liệu thỏa thuận hạt nhân năm 2015 – Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) – có cơ hội được khôi phục. Thỏa thuận này từng giới hạn mức làm giàu uranium của Iran ở 3,7%, thấp hơn nhiều so với mức 90% cần để chế tạo bom.

Nếu không còn thỏa thuận kiểm soát, điều gì sẽ xảy ra nếu Iran tiếp tục làm giàu uranium?

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho rằng nếu Iran thật sự chỉ muốn chương trình hạt nhân dân sự, họ có thể nhập khẩu nhiên liệu thay vì tự làm giàu – như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Dù có một bộ phận trong nước kêu gọi giảm quy mô chương trình hạt nhân, chính quyền Iran hiện không tỏ ra nhân nhượng. Lãnh tụ Khamenei vẫn khẳng định sẽ không từ bỏ làm giàu uranium.

Trong khi đó, ông Trump đe dọa sẽ tiếp tục tấn công nếu Iran không từ bỏ. “Nếu họ tiếp tục, chúng tôi sẽ phải làm gì đó. Còn nếu không phải chúng tôi, sẽ có ai đó khác”, ông cảnh báo.

Ngọc Ánh (theo AJ, ToI)