Đề thi tiếng Anh THPT 2025: Tiệm cận chuẩn IELTS, phổ điểm có thể giảm sâu
(CLO) Theo nhận định của nhiều giáo viên, đề thi môn Tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có mức độ phân hóa cao, ngôn ngữ mang tính học thuật rõ nét và đòi hỏi năng lực tư duy vượt mặt bằng phổ thông.
Chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) đồng thời là giáo viên giảng dạy Tiếng Anh THPT cho biết, đề thi năm nay tiếp tục giữ cấu trúc gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm trong 50 phút làm bài, tương tự đề minh họa về mặt hình thức. Tuy nhiên, nội dung đề có sự nâng cấp rõ rệt về mặt học thuật.

“Đề thi năm 2025 có khoảng 90% nội dung bám sát cấu trúc đề minh họa, nhưng phần còn lại chính là điểm tạo khác biệt lớn: các đoạn đọc hiểu dài, phức tạp hơn, mang chủ đề khoa học – thời sự quốc tế như nông nghiệp thông minh, ‘greenwashing’, rủi ro du lịch toàn cầu...”, cô Hương cho biết.
Đặc biệt, đề thi xuất hiện những dạng câu hỏi vốn thường gặp trong kỳ thi IELTS như: suy luận ngữ nghĩa, xác định thông tin ngầm, hiểu từ trong ngữ cảnh. Ngoài ra, nhiều câu từ vựng kiểm tra idioms (thành ngữ) thay vì chỉ dừng lại ở collocations như trước đây.
Một trong những đề thi “khó nhất lịch sử kỳ thi THPT”
Theo cô Hương, đề thi năm nay có thể được xếp vào nhóm đề thi khó nhất trong lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh. Tính phân hóa thể hiện rất rõ ở ba yếu tố: vốn từ học thuật, khả năng đọc hiểu nâng cao và áp lực thời gian lớn.
“Với 40 câu hỏi trong 50 phút, học sinh phải xử lý 4 đoạn văn đọc hiểu, nhiều câu yêu cầu tư duy sâu, đánh giá hoặc phân tích nội dung ngầm. Việc đọc kỹ toàn bộ văn bản gần như là không thể, gây tâm lý căng thẳng và dễ ‘đuối sức’ giữa bài", cô Hương phân tích.
Một số phần được đánh giá là “bẫy điểm” gồm: 10 câu cuối phần đọc hiểu xuất hiện nhiều từ vựng ở cấp độ B2–C1–C2, yêu cầu năng lực phân tích, tổng hợp thông tin. Phần điền từ (gap-fill) do Không thể làm theo mẹo, đòi hỏi hiểu sâu ngữ cảnh và cấu trúc câu. Câu viết lại và nối câu có sử dụng cấu trúc ngữ pháp nâng cao, học sinh học lệch hoặc chưa luyện tập chuyên sâu rất dễ mất điểm.
Đáng chú ý, nhiều cụm từ vựng được sử dụng không phổ biến trong chương trình cơ bản THPT, khiến học sinh không ôn luyện theo chuẩn học thuật hoặc chưa từng tiếp xúc đề IELTS có thể “choáng váng” khi làm bài.
Phổ điểm có thể giảm mạnh, điểm 9–10 trở nên hiếm hoi
Từ phân tích độ khó của đề, cô Hương đưa ra dự đoán về phổ điểm:
- Phổ điểm chủ yếu dao động từ 4.0 – 5.5, dành cho học sinh nắm vững kiến thức ngữ pháp và từ vựng cơ bản.
- Học sinh khá – giỏi nếu có chiến lược phân bổ thời gian tốt, làm chủ được kỹ năng đọc hiểu học thuật có thể đạt từ 6.0 – 7.0 điểm.
- Điểm 8 trở lên sẽ rất hiếm, chủ yếu thuộc về nhóm học sinh xuất sắc, có nền tảng ngoại ngữ vững vàng, từng luyện đề nâng cao.
- Điểm 9 – 10 có thể giảm mạnh so với năm 2023–2024.
Cô Hương lưu ý: “Việc một số học sinh từng làm tốt đề luyện trong trường hoặc đề của Sở GD&ĐT đạt 8–9 điểm nhưng chỉ được 5–7 điểm với đề thi chính thức năm nay là hoàn toàn bình thường”.
Đề xuất điều chỉnh chiến lược ôn tập và chính sách ra đề
Từ kinh nghiệm giảng dạy và phản hồi từ học sinh, cô Hương khuyến nghị các khóa sau như 2k8, 2k9 cần định hướng học tiếng Anh nghiêm túc ngay từ đầu lớp 12 hoặc sớm hơn nếu có ý định thi khối D hoặc sử dụng tiếng Anh trong xét tuyển đại học.
“Học sinh nên làm quen với các dạng bài học thuật, tăng cường vốn từ vựng nâng cao, luyện kỹ năng đọc hiểu theo định dạng đề IELTS nếu Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì định hướng đề thi như năm nay” , cô Hương nhấn mạnh.

Cô Hương đánh giá đề thi năm 2025 là bước tiến tích cực trong việc chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ theo hướng tiệm cận chuẩn quốc tế, khuyến khích việc dạy và học ngoại ngữ nghiêm túc trong nhà trường.
Tuy nhiên, cô cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Việc đề thi mang tính học thuật cao nhưng mặt bằng năng lực, điều kiện luyện tập giữa các vùng miền còn chênh lệch là một vấn đề lớn. Cần có giải pháp điều chỉnh phù hợp để không tạo áp lực quá mức với học sinh không có điều kiện luyện chuyên sâu”.