Tin tức

Các sàn thương mại điện tử sẽ khấu trừ và nộp thay thuế cho người bán từ ngày 1/7

Hoàng Minh 30/06/2025 17:22

(CLO) Từ ngày 1/7/2025, theo Nghị định số 117/2025/NĐ-CP của Chính phủ, các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop… sẽ chính thức thực hiện việc khấu trừ và nộp thay thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với hộ, cá nhân bán hàng trên nền tảng của mình.

Đây được đánh giá là bước điều chỉnh lớn trong công tác quản lý thuế, nhằm tăng cường hiệu quả thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên môi trường số, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng vẫn tồn tại nhiều khoảng trống về dữ liệu và kê khai.

thuong-mai-dien-tu-1-1759.jpeg
Các sàn thương mại điện tử sẽ khấu trừ và nộp thay thuế cho người bán t ừ ngày 1/7

Trước đây, việc thu thuế chủ yếu dựa vào kê khai tự nguyện hoặc cơ quan thuế truy thu qua thông tin do các sàn cung cấp. Tuy nhiên, phương thức này chưa kiểm soát được đầy đủ doanh thu phát sinh, nhất là với các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ nhưng có doanh thu cao.

Theo ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính), Nghị định 117 quy định rõ: sàn thương mại điện tử có chức năng thanh toán sẽ thực hiện khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân, hộ kinh doanh. Người bán vẫn thực hiện xuất hóa đơn cho khách nhưng không phải khai, nộp thuế với phần doanh thu đã được sàn khấu trừ, nộp thay.

Trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh ủy quyền cho sàn xuất hóa đơn theo Nghị định số 70/2025/NĐ-CP và Thông tư số 32/2025/TT-BTC (đều có hiệu lực từ ngày 1/6/2025), thì sàn có trách nhiệm xuất hóa đơn thay cho người bán.

Việc khấu trừ thuế được thực hiện theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu từng giao dịch. Thuế giá trị gia tăng được tính 1% với hàng hóa, 5% với dịch vụ, 3% đối với vận tải và dịch vụ gắn với hàng hóa. Đối với thuế thu nhập cá nhân, cá nhân cư trú chịu mức 0,5% với hàng hóa, 2% với dịch vụ, 1,5% với vận tải và dịch vụ gắn với hàng hóa. Cá nhân ở nước ngoài chịu thuế TNCN lần lượt là 1%, 5% và 2% với ba nhóm tương ứng.

Doanh thu làm căn cứ khấu trừ là tổng số tiền hộ, cá nhân được hưởng từ bán hàng, cung cấp dịch vụ mà sàn thu hộ. Đối với các giao dịch bị hủy hoặc trả lại, sàn được phép bù trừ thuế đã nộp thay với số thuế của các giao dịch khác trong kỳ.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc giao trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế cho sàn thương mại điện tử sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục thuế cho người bán và nâng cao hiệu quả quản lý trong môi trường số. Đồng thời, điều này cũng góp phần tạo sự công bằng giữa kinh doanh trực tuyến và kinh doanh truyền thống.

Tuy nhiên, người bán cần chủ động cập nhật thông tin cá nhân, mã số thuế và tài khoản ngân hàng để đảm bảo việc khấu trừ được thực hiện đúng. Trong trường hợp có nhiều nguồn thu nhập, cá nhân vẫn phải tổng hợp và quyết toán thuế theo quy định để tránh bị truy thu hoặc xử phạt.

Chị Thu Thủy, chủ cửa hàng đồ gia dụng trên Shopee, cho rằng nộp thuế là nghĩa vụ nhưng mong các sàn minh bạch thông tin, cung cấp công cụ tra cứu số thuế đã nộp. Tương tự, chị Nguyễn Thị Thúy – người kinh doanh đồ gốm trên nhiều nền tảng – cho rằng việc sàn hỗ trợ kê khai, nộp thuế thay là tiện lợi, nhưng cần có cơ chế rõ ràng để người bán kiểm tra, đối chiếu thông tin.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm 2025, tổng số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử và kinh tế số đạt 74.400 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 158 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký và kê khai qua Cổng thông tin điện tử, với số thuế nộp 5.700 tỷ đồng, tăng 41%.

Cùng kỳ, gần 100.000 hộ, cá nhân kinh doanh đã thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế qua cổng điện tử dành riêng cho họ, với số tiền gần 1.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gần 93.000 tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử đã nộp tổng cộng 67.600 tỷ đồng tiền thuế.

Hoàng Minh